Các món đồ hàng hiệu như túi xách, đồng hồ thường có giá trị cao, có món lên đến tiền tỷ. Vậy những món hàng hiệu đắt tiền này có được xem là tài sản để thi hành án không?
(1) Hàng hiệu đắt tiền có được xem là tài sản thi hành án không?
Theo khoản 3 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định, các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm:
- Phong toả tài khoản;
- Tạm giữ tài sản, giấy tờ
- Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.
Theo đó, biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ tại được quy định tại Điều 68 Luật Thi hành án dân sự 2008 như sau:
- Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ để tạm giữ tài sản, giấy tờ mà đương sự đang quản lý, sử dụng.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tạm giữ tài sản, giấy tờ, Chấp hành viên ra một trong các quyết định sau đây:
+ Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu xác định được tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc sở hữu của người phải thi hành án;
+ Trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự trong trường hợp đương sự chứng minh tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Việc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ phải lập biên bản, có chữ ký của các bên.
Bên cạnh đó, Điều 128 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định, biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản được áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự 2015 quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
Theo quy định tại Điều 105 Bộ Luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Căn cứ theo các quy định trên, hàng hiệu đắt tiền cũng được xem là một loại tài sản của người phạm tội.
Cơ quan chấp hành án hoặc người có thẩm quyền kê biên tài sản có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án hoặc kê biên các món hàng hiệu đắt tiền để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu xác định được tài sản đó thuộc sở hữu của người phải thi hành án hoặc người phạm tội, bất kể đó là tài sản chung hay tài sản riêng.
(2) Tài sản tịch thu, kê biên được xử lý thế nào?
Theo quy định tại Điều 101 Luật Thi hành án dân sự 2008 , tài sản đã kê biên được bán theo hình thức bán đấu giá hoặc bán không qua thủ tục đấu giá.
Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thỏa thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Ngoài ra, trong thời hạn 01 ngày làm việc trước khi mở cuộc bán đấu giá, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá. Điều này đảm bảo quyền lợi cho người phải thi hành án và tạo điều kiện để họ có thể lấy lại tài sản của mình trước khi diễn ra cuộc bán đấu giá.