Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập của mỗi cá nhân trong xã hội, trong khoảng thời gian nhất định (thường là một năm). Thuế thu nhập cá nhân là một sắc thuế có tầm quan trọng lớn trong việc huy động nguồn thu cho ngân sách và thực hiện công bằng xã hội. Thuế thu nhập cá nhân đánh vào cả cá nhân kinh doanh và cá nhân không kinh doanh. Thuế này thường được coi là loại thuế đặc biệt vì có lưu ý đến hoàn cảnh của các cá nhân có thu nhập phải nộp thuế thông qua việc xác định miễn, giảm thuế hoặc khoản miễn trừ đặc biệt.
Việc đánh thuế thu nhập cá nhân thường áp dụng theo nguyên tắc thuế suất lũy tiến từng phần. Đặc điểm này xuất phát từ vai trò chủ yếu của thuế thu nhập cá nhân là điều tiết mạnh người có thu nhập cao, góp phần thực hiện công bằng xã hội. Do vậy, việc sử dụng thuế lũy tiến từng phần sẽ đáp ứng được nhu cầu đó vì phần thu nhập tăng thêm càng cao thì sẽ phải tính thuế càng cao. Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân còn có chức năng tăng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước và góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy công tác quản lý và kê khai thuế thu nhập cá nhân hiện nay vẫn còn một số hạn chế và bất cập. Có thể kể ra như:
Thứ nhất, nói về mức khởi điểm chịu thế, nhiều người vẫn nhầm lẫn đây là luật thuế đánh vào người có thu nhập cao nên nhiều người không kê khai thuế thu nhập. Thực chất nhiều người dân chưa xác định rõ mức khởi điểm để đánh thuế thu nhập. Và do nhiều bộ phận dân cư cho rằng thuế thu nhập chỉ đánh vào tiền lương, tiền công vì đại bộ phận người lao động có thu nhập từ lương nên họ không kê khai các khoản thu nhập khác.
Thứ hai, có quá nhiều giấy tờ thủ tục. Ví dụ như chỉ tiêng những quy định về giảm trừ gia cảnh đã có rất nhiều loại giấy tờ, thủ tục, hồ sơ mà người nộp thuế cần phải thực hiện đáp ứng. Chẳng hạn trường hợp người nộp thuế có con theo học và là người phụ thuộc thì đã cần: Giấy khai sinh, giấy xác nhận của trường hoặc bản chứng thực thẻ sinh viên, biên lai thu học phí hoặc chứng từ nộp khoản phí tiền học, tiền sinh hoạt phí có niên độ phù hợ với năm tính thuế. Song, nếu như người nộp thuế được hoàn thuế thì lượng công việc, giấy tờ cần đáp ứng còn nhiều hơn nữa: Đơn xin hoàn thuế, bản photocopy giấy chứng minh nhân dân, tờ khai quyết toán thuế…
Thứ ba, mức thuế suất quá cao không phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam. Theo biểu suất lũy tiến từng phần, mức thuế thấp nhất là 5%, cao nhất là 35%. So với điều kiện kinh tế, thu nhập bình quân đầu người và đặc biệt là hệ thống an sinh xã hội của nước ta với các nước khác thì chưa hợp lý. Thực tế ở nhiều nước cũng quy định thuế suất tối thiểu là 5% những cũng có những nước thấp hơn, chẳng hạn như Malaysia thu nhập đầu người hơn 2.000USD/năm, mức thuế suất chỉ có 1%.
Thứ tư, có quá nhiều kẽ hở trong việc xác định đối tượng và thu nhập thực tế của người nộp thuế. Do cơ chế tự khai tự chịu trách nhiệm nên cơ quan Thuế chưa thể kiểm soát được chính xác thu nhập của mọi cá nhân. Do đó hành vi trốn thuế là không thể tránh khỏi, Đó là chưa kể những khó khăn trong việc quản lý đối tượng giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong phạm vi toàn quốc. Việc kê khai đối tượng giảm trừ gia cảnh chỉ chủ yếu dựa vào ý thức của đối tượng nộp thuế.
Thứ năm, Công tác kiểm tra sau khi hoàn thuế cũng gặp khó khăn, vì không có ứng dụng thông tin kiểm soát thu nhập toàn quốc. Cá nhân có bao nhiêu chứng từ khấu trừ thì giải quyết hoàn bấy nhiêu.
Từ những hạn chế nêu trên thì có thể thấy rằng việc thu thế thu nhập cá nhân để tăng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước là chuyện chẳng hề dễ dàng, đúng không mọi người?