Hà Tĩnh đề xuất chỉ học 05 ngày/tuần ở bậc THCS để giảm áp lực cho giáo viên, học sinh

Chủ đề   RSS   
  • #616692 23/09/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 27178
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 565 lần


    Hà Tĩnh đề xuất chỉ học 05 ngày/tuần ở bậc THCS để giảm áp lực cho giáo viên, học sinh

    Sở GD&ĐT Hà Tĩnh mới đây đã có Công văn 5028/SGDĐT-GDPT cho ý kiến dạy học 05 ngày trong tuần để nghỉ ngày Thứ 7 cho học sinh bậc THCS của Phòng GD&ĐT Thành phố Hà Tĩnh. 

    (1) TP Hà Tĩnh đề xuất chỉ học 05 ngày/tuần ở bậc THCS để giảm áp lực cho giáo viên, học sinh

    Cụ thể, tại Công văn 5028/SGDĐT-GDPT, có nêu rõ, đề xuất nêu trên là một trong những nỗ lực của Phòng GD&ĐT Thành phố trong việc đổi mới giáo dục, quan tâm đến đời sống, quyền lợi cán bộ, giáo viên, nhân viên người lao động và học sinh.

    Đối với chủ trương dạy học 05 ngày trong tuần (từ Thứ 2 đến thứ 6) để nghỉ ngày thứ 7 đối với bậc THCS bắt đầu từ năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT có những lưu ý đối với Phòng GD&ĐT Thành phố như sau:

    - Cần rà soát, nghiên cứu kỹ, đảm bảo điều kiện khi triển khai. 

    - Đặc biệt, đảm bảo thời lượng học tập theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và phù hợp với thực tiễn.

    - Xây dựng kế hoạch dạy học 02 buổi/ngày trong các nhà trường một cách khoa học, hợp lý, đảm bảo theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.

    - Khảo sát lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh, học sinh để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân... 

    Bên cạnh đó, để có thể triển khai hiệu quả việc tổ chức dạy học 05 ngày/tuần (từ Thứ 2 đến Thứ 6), trước hết Phòng GD&ĐT Thành phố nên tổ chức thí điểm để đánh giá kết quả, rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai thực hiện phù hợp.

    (2) Định mức tiết dạy của giáo viên trung học cơ sở hiện nay là bao nhiêu?

    Căn cứ Điều 6 Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT được bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT có quy định về định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:

    - Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết.

    - Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông.

    Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở.

    Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.

    - Định mức tiết dạy của giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết.

    - Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 2 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học. Việc phân hạng các trường phổ thông theo quy định hiện hành.

    Như vậy, định mức tiết dạy của giáo viên trung học cơ sở hiện nay là 19 tiết trong một tuần. Trường hợp trường, lớp dành cho người tàn tật là 17 tiết.

    Trường hợp giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 02 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học.

    (3) Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới gồm những gì?

    Căn cứ Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT có quy định về mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới như sau:

    - Chương trình giáo dục phổ thông cụ thể hoá mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

    - Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

    - Chương trình giáo dục THCS giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

    - Chương trình giáo dục THPT giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

    Theo đó, hiện nay, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm những nội dung như đã nêu trên.

     
    146 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận