Hà Nội quy hoạch phân khu đô thị: 5 vấn đề nan giải

Chủ đề   RSS   
  • #569189 22/03/2021

    vankhanhnhu
    Top 200
    Female
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:10/11/2020
    Tổng số bài viết (445)
    Số điểm: 8732
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 536 lần


    Hà Nội quy hoạch phân khu đô thị: 5 vấn đề nan giải

    Quy hoạch Thủ đô Hà Nội 

    Quy hoạch Hà Nội - Minh họa

    Theo dự kiến hôm nay (22.3), TP.Hà Nội sẽ tổ chức lễ công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Để thực hiện quy hoạch này, Hà Nội phải đối mặt với 5 bài toán khó.

    1. Vấn đề dân số

    10 năm trước, theo đề án phát triển Hà Nội đến năm 2030 và Quyết định số 1259 nội đô lịch sử có dân số tính toán là 800.000 người, tổng diện tích khoảng trên 3.800ha, với chỉ tiêu khoảng đất toàn đô thị 100m2/đầu người. Tuy nhiên, theo các báo cáo hiện chỉ tiêu diện tích bình quân đất đô thị trên đầu người tại khu vực này chỉ đạt được khoảng 45m2. Dân số nội đô hiện nay đã lên tới trên 1,3 triệu người.

    Trong đó, riêng 4 quận nội thành (bao gồm 6 đồ án) gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng thì dân số đã là 887.411 người (theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Nếu đồ án được triển khai thì trong 10 năm tới, chỉ riêng 4 quận này đã phải di dời khoảng 200.000 người.

    Theo quy hoạch đến năm 2030, 4 quận nội thành này chỉ còn khoảng 672.000 người. Trong đó, khu vực Hoàn Kiếm là quận duy nhất được phép tăng dân số (khoảng 9000 người so với quy hoạch) còn lại khu vực quận Hồ Tây phải giảm gần 40.000 người (từ 199.586 hiện nay xuống còn 160.000), khu vực Đống Đa phải giảm gần 120.000 người (từ 371.606 người xuống còn 255.000 người), khu vực Hai Bà Trưng phải giảm từ 225.000 xuống 157.000 người.

    Việc di dời hơn 250.000 dân ở 4 khu vực nội đô lịch sử là bài toán rất khó đối với Hà Nội nhất là xu hướng chuyển dịch về trung tâm vẫn còn.

    2. Quỹ đất cho cây xanh, công cộng

    Theo một báo cáo mới nhất Hà Nội đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư, đặc biệt trong khu vực nội thành, đất được dùng làm không gian xanh công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Trong nội thành, hiện có 53 công viên, vườn hoa với diện tích hơn 320ha (1m2 cây xanh/người). Ngoại thành có 15 vườn hoa công viên với 60ha đất, như vậy thấp rất nhiều so với tiêu chuẩn. Trong khi đó, quy chuẩn tiêu chuẩn ngành Xây dựng đặt ra là 2m2 cây xanh/người, đối với đô thị đặc biệt là 7m2 cây xanh/người.

    Với thực trạng như vậy, nhiều vấn đề đặt ra trong tương lai Hà Nội trở thành bài toán nan giải.

    Theo quy hoạch, trong tổng số 2.700ha đất của khu vực nội đô lịch sử, thành phố sẽ phải đạt chỉ tiêu 3,82m2/người). Đất dành cho giao thông đô thị là khoảng 471,22ha (đạt chỉ tiêu 7,28m2/người), bao gồm đường trục chính đô thị, đường chính đô thị, đường liên khu vực, quảng trường, ga, đường sắt đô thị, bến - bãi đỗ xe. Đất dành cho trường trung học phổ thông là 18,34ha (tỉ lệ 0,7%), đạt chỉ tiêu 0,28m2/người, tương ứng 7,1m2/học sinh. Ngoài ra, khoảng 1.343,35ha đất được bố trí là đất đơn vị ở (đạt chỉ tiêu 20,72m2/người).

    Trong đó, đất công cộng đơn vị ở khoảng 22,02ha, đạt chỉ tiêu 0,34m2/người. Đây là đất xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu thường xuyên và hằng ngày cho dân cư trong đơn vị ở, gồm: Chợ, siêu thị, cửa hàng, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao, trụ sở quản lý hành chính đơn vị ở (tương đương cấp phường). Đất cây xanh đơn vị ở là khoảng 34,61ha, đạt chỉ tiêu 0,53m2/người, gồm công viên, vườn hoa, sân chơi, không gian hoạt động thể thao, giải trí ngoài trời... phục vụ nhân dân trong đơn vị ở.

    3. Di dời trường học ra khỏi nội đô

    Hà Nội đã từng lên nhiều kế hoạch nhằm chuyển các trường học, đặc biệt là hệ thống trường Đại học và Cao đẳng ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nguyên nhân khiến viêc di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô Hà Nội vẫn chậm là bởi công tác di dời đòi hỏi vốn ngân sách lớn, các quy hoạch ngành chưa hoàn thành...

    Đề án quy hoạch nội đô Hà Nội đặt ra việc phân bố, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học và cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30 vạn sinh viên. Xây dựng mới 3.500 - 4.500ha các khu, cụm đại học, gồm: Gia Lâm khoảng 200 - 250ha (5 - 6 vạn sinh viên); Sóc Sơn khoảng 600 - 650ha (8 - 10 vạn sinh viên); Sơn Tây khoảng 300 - 350ha (4 - 5 vạn sinh viên); Hòa Lạc khoảng 1.000 - 1.200ha (12 - 15 vạn sinh viên); Xuân Mai khoảng 600 - 650ha (8 - 10 vạn sinh viên); Phú Xuyên khoảng 100 - 120ha (1,5 - 2 vạn sinh viên); Chúc Sơn khoảng 150 - 200ha (2 - 3 vạn sinh viên). Thực hiện di dời hoặc xây dựng cơ sở 2 cho một số trường từ nội đô ra các đô thị vệ tinh hoặc các tỉnh trong vùng Thủ đô; quỹ đất sau khi di dời sử dụng vào mục đích công cộng phục vụ đô thị.

    4. Di dời nhà máy, công sở

    Năm 2015, UBND TP.Hà Nội chính thức thành lập Ban chỉ đạo di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Đồng thời triển khai kế hoạch di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành của thành phố với lộ trình dự kiến phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên theo con số mới nhất từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến thời điểm hiện nay, Hà Nội mới thực hiện di dời 67 cơ sở sản xuất ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận. Theo kế hoạch đến 2030, khu nội đô lịch sử sẽ không còn các cơ sở công nghiệp, đặc biệt là những cơ sở có nguy cơ xả thải gây ổ nhiễm.

    5. Hạn chế xây cao tầng ở nội đô

    Có một thực tế là Hà Nội ngày càng nhiều khu cao tầng và ngay ở trong nội đô vẫn còn nhiều dự án khủng đang trong quá trình hoàn thành.

    Hà Nội phải xử lý được vấn đề này để đạt mục tiêu: Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Các công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị tạo một số điểm nhấn cao tầng trên các trục tuyến phù hợp Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc công trình cao tầng được ban hành. Tại các khu vực xây dựng công trình cao tầng xem xét ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung tiện ích đô thị như cây xanh, bãi đỗ xe...

    Riêng phố cổ, chiều cao chỉ tương đương 3-4 tầng (từ 12-16m) và nhất là khu vực “đất kim cương” quanh Hồ Gươm không được xây dựng quá 4 tầng (16m).

    MINH BẰNG

    Theo báo LAODONG

     
    1232 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #569565   30/03/2021

    Dự thảo quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng được thông qua được kỳ vọng không chỉ giúp Hà Nội xử lý được những tồn tại trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất khu vực bãi sông Hồng mà còn khai thác hiệu quả tiềm năng , lợi thế từ sông.

     
    Báo quản trị |