Gửi xe không lấy thẻ, khi mất xe ai chịu trách nhiệm?

Chủ đề   RSS   
  • #612234 31/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 19064
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 408 lần


    Gửi xe không lấy thẻ, khi mất xe ai chịu trách nhiệm?

    Theo quy định pháp luật, bên giữ xe có trách nhiệm bảo quản tài sản được gửi giữ, bao gồm cả xe cộ. Việc người gửi xe không lấy thẻ khi xảy ra mất xe thì ai chịu trách nhiệm?

    (1) Quy định của pháp luật về việc gửi giữ tài sản

    Việc gửi xe tại các bãi giữ xe ngày càng phổ biến, song đi kèm với đó là những tranh cãi khi xảy ra sự cố mất xe. Đặc biệt, trường hợp gửi xe không lấy thẻ và mất xe thường khiến nhiều người băn khoăn về việc ai sẽ chịu trách nhiệm.

    Theo Điều 554 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng gửi giữ tài sản như sau:

    “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.”

    Quyền và nghĩa vụ của người gửi xe theo quy định tại Điều 555 và Điều 556 Bộ Luật Dân sự 2015 là:

    - Khi giao tài sản phải báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ; nếu không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

    -Phải trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận.

    -Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.

    - Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

    Quyền và nghĩa vụ của người giữ xe theo quy định tại Điều 557 và Điều 558 Bộ Luật Dân sự 2015 là:

    - Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

    - Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.

    - Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.

    - Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

    - Yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thỏa thuận.

    - Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công.

    - Yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không xác định thời hạn.

    - Bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản.

    Như vậy, việc gửi giữ tài sản được xem là một giao dịch dân sự khi đó là sự thỏa thuận giữa người gửi xe và nhân viên giữ xe, hai bên sẽ có quyền và nghĩa vụ đối với chiếc xe được gửi trong một khoảng thời gian.

    (2) Gửi xe không lấy thẻ, khi mất xe ai chịu trách nhiệm?

    Như đã phân tích ở trên, việc gửi xe và nhận giữ xe cũng là một hình thức giao dịch dân sự.

    Theo quy định tại Điều 119 Bộ Luật Dân sự 2015, hình thức của giao dịch dân sự được  thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

    Do đó có thể hiểu, để xác định người gửi xe có một giao dịch dân sự gửi giữ tài sản đối với nhân viên giữ xe thì không bắt buộc phải bằng hình thức là văn bản (thẻ giữ xe) mà hoàn toàn có thể bằng lời nói hoặc một hành vi cụ thể.

    Ví dụ, bạn có thể nói với nhân viên giữ xe là “Tôi có thể gửi xe ở đây không?” hoặc bằng ánh mắt, hành vi cụ thể thể hiện việc muốn gửi xe và nhận được sự đồng ý của nhân viên giữ xe (bằng lời nói, hoặc hành động hướng dẫn chỗ đậu xe, gật đầu) thì giữa bạn và nhân viên giữ xe đã hình thành một giao dịch dân sự đó là giao dịch về việc gửi giữ tài sản, cụ thể là gửi giữ xe.

    Lúc này, dù không có thẻ giữ xe nhưng giữa bạn và nhân viên giữ xe đã hình thành một giao dịch dân sự, bạn sẽ phát sinh một số quyền và nghĩa vụ đối nhân viên giữ xe như: bạn có quyền yêu cầu lấy lại tài sản, yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng, trả tiền công giữ xe,...

    Do đó, dù gửi xe không lấy thẻ xe thì bạn vẫn được quyền yêu cầu nhân viên giữ xe bồi thường thiệt hại do làm mất xe trong trường hợp đã có một sự xác nhận của hai bên về việc phát sinh hợp đồng gửi giữ tài sản (bằng lời nói, hành vi cụ thể).

    Tuy nhiên, bạn nên nhớ quy tắc 4 chữ khi gửi xe đó là  “Gửi xe - Lấy thẻ”, vì thẻ xe là chứng cứ rõ ràng và chắc chắn nhất để thể hiện giữa bạn và nhân viên giữ xe có phát sinh hợp đồng gửi giữ tài sản và để tránh phiền phức, phức tạp trong việc yêu cầu bồi thường nếu không may có tình huống mất xe xảy ra.

     
    688 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận