Gót chân Asin có nghĩa là gì? Lợi dụng gót chân Asin đối thủ có là cạnh tranh không lành mạnh không?

Chủ đề   RSS   
  • #608875 27/02/2024

    Gót chân Asin có nghĩa là gì? Lợi dụng gót chân Asin đối thủ có là cạnh tranh không lành mạnh không?

    Gót chân Asin có nghĩa là gì và việc lợi dụng gót chân Asin của đối thủ thì có được xem là cạnh tranh không lành mạnh hay không?

     

    Gót chân Asin có nghĩa là gì?

    Nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp, Asin (Achilles) là chiến binh vĩ đại nhất của đội quân Hy Lạp dũng mãnh trong Cuộc chiến thành Troy xảy ra vào khoảng 1184 TCN.

    Asin là con trai của nữ thần biển Thetis và vị vua Hy Lạp người trần Peleus. Ngày Asin chào đời đã được tiên tri rằng chàng sẽ chết trọng một trận chiến kinh hoàng

    Mẹ Asin muốn chàng trở nên bất tử nên đã mang chàng đến dòng sông Styx - dòng sông của sự vĩnh hằng để nhúng cơ thể chàng xuống nhưng lại quên mất rằng mình đang giữ 2 gót chân chàng nên cả người Asin đều trở nên mình đồng da sắt, duy chỉ có 2 gót chân của Asin vẫn là của người phàm và là chỗ duy nhất có thể bị tổn thương

    Asin nhờ được thần nhân mã Chiron cho ăn tim gan của sư tử, lợn lòi nên dần trở nên khỏe mạnh, có được lòng can đảm vô song. Thần Chiron còn lắp cho Asin mắt cá chân của người khổng lồ, có thể đuổi kịp cả hươu nai bằng chân trần.

    Khi diễn ra cuộc chiến của người Hy Lạp chiếm thành Troy, Asin có sức huỷ diệt vô đối vì đối thủ không tìm ra điểm yếu trên cơ thể của chàng. Nhưng cuối cùng hoàng tử Paris (em trai của tướng tài Hector – người đã bị Asin giết chết) của thành Troy đã trả thù thành công cho anh trai của mình bằng cách bắn một mũi tên (có độc) vào gót chân của Asin bằng sự chỉ dẫn của thần Apollo

    Qua đó có thể hiểu rằng gót chân Asin chính là điểm yếu của một ai đó. Trong cạnh tranh thì gót chân Asin dùng để chỉ rằng không có ai mạnh tuyệt đối và cần phải tìm ra điểm yếu (gót chân Asin) để dốc toàn lực tấn công.

    Gót chân Asin là điểm yếu của đối phương và để chiến thắng thì sẽ cần tấn công vào điểm yếu đó, vậy đối với cạnh tranh thương mại, việc lợi dụng điểm yếu của đối phương để tấn công có phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không thì cụ thể được phân tích dưới góc độ pháp lý dưới đây:

    Lợi dụng gót chân Asin của đối thủ có được xem là cạnh tranh không lành mạnh không?

    Theo khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về cạnh tranh không lành mạnh thì có thể hiểu hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

    Đồng thời tại Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm như sau:

    - Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức theo quy định

    -  Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

    - Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

    - Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

    - Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức theo luật định

    -  Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

    - Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.

    Qua đó có thể thấy pháp luật không quy định rõ việc lợi dụng điểm yếu (gót chân Asin) là hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không. Tuy nhiên việc tấn công điểm yếu của đối phương trong cạnh tranh cần tuân thủ theo một số quy định để không trở thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

    - Tuân thủ nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh

    - Không gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối phương

    - Không thuộc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định pháp luật

    Thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh không lành mạnh là bao lâu?

    Theo Điều 81 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh thì mỗi loại vụ việc (vụ việc hạn chế cạnh tranh, vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế, vụ việc cạnh tranh không lành mạnh) sẽ có một thời hạn điều tra khác nhau. Trong đó, thời hạn để điều tra vụ việc cạnh tranh không lành mạnh là 60 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra

    Trong trường hợp điều tra vụ việc cạnh tranh là vụ việc phức tạp thì sẽ được gia hạn 01 lần nhưng sẽ không quá 45 ngày

     
    146 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận