Theo đó, Tổng cục góp ý sửa đổi thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP như sau:
(1) Bãi bỏ Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP
Bãi bỏ toàn bộ quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ tại Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP.
(2) Sửa đổi thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ tương ứng Thông tư 38/2015/TT-BTC
Các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP sẽ chuyển hoá vào các điều tương ứng quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC) liên quan đến hoạt động nhận gia công cho thương nhân nước ngoài và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan với nội địa.
Tuy nhiên, để đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan, không phân biệt đối xử về chính sách đối với các giao dịch hàng hóa có cùng bản chất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét bãi bỏ quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ đối với hàng hoá gia công cho thương nhân nước ngoài quy định tại Luật Thương mại 2005, Luật Quản lý ngoại thương 2017 và các Nghị định hướng dẫn.
Khi bán, tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì thực hiện theo hợp đồng mua bán thương mại và hoạt động này không khác với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP.
Do vậy, việc bãi bỏ quy định tại Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP đồng nghĩa với việc phải rà soát, bãi bỏ đồng bộ các quy định liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ đang được quy định tại các pháp luật khác liên quan như:
- Rà soát kiến nghị sửa đổi Luật Thương mại 2005, Luật Quản lý ngoại thương 2017 để bỏ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài.
(3) Đề xuất chính sách thay thế việc làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu tại chỗ
Do bản chất đây là hoạt động mua bán trong nội địa, kiên nghị giao cơ quan thuế nội địa chịu trách nhiệm quản lý và thu thuế thông qua hoạt động này, cụ thể:
(1) Trường hợp hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài nhưng được thương nhân nước ngoài bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam thì bên nhận gia công hoặc thương nhân Việt Nam khác mua sản phẩm gia công của thương nhân nước ngoài và bán hàng hóa cho thương nhân khác tại Việt Nam thì thực hiện theo giao dịch mua bán giữa hai doanh nghiệp trong nội địa.
Bên nhận gia công phải chuyển đổi mục đích sử dụng đối với hàng hoá gia công, nộp thuế nhập khẩu và các khoản thuế khác như hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
(2) Trường hợp hàng hóa được sản xuất từ nguồn nguyên liệu nhập sản xuất xuất khẩu đã được miễn thuế nhập khẩu phát sinh giao dịch với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài nhưng được chỉ định giao hàng tại Việt Nam thì hoạt động giao dịch này thực hiện như hai doanh nghiệp trong nội địa; doanh nghiệp nhập sản xuất xuất khẩu thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu được miễn thuế, nộp đầy đủ các khoản thuế theo quy định.
Trường hợp (1), (2) dẫn trên đê thu được thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các giao dịch mua bán phát sinh doanh thu tại Việt Nam thì thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam phải ký hợp đồng với đại lý tại Việt Nam đe thực hiện việc thu thuế liên quan.
(3) Trường hợp kinh doanh thương mại thuần túy: thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam ký hợp đồng đại lý hoặc sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng, trên hóa đơn GTGT ghi rõ mã số thuế/tên thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và mã số thuế/tên doanh nghiệp Việt Nam được chỉ định nhận hàng tại Việt Nam.