Góp vốn bằng CCDC, TSCĐ nhưng không còn hóa đơn mua hàng

Chủ đề   RSS   
  • #364687 25/12/2014

    yenhp87

    Sơ sinh

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:18/10/2013
    Tổng số bài viết (7)
    Số điểm: 25
    Cảm ơn: 3
    Được cảm ơn 0 lần


    Góp vốn bằng CCDC, TSCĐ nhưng không còn hóa đơn mua hàng

    Chào luật sư,

    Luật sư tư vấn giúp em trường hợp Giám đốc muốn góp vốn  vào cty Cổ Phầnbằng CCDC, TSCĐ (máy laptop, máy in,....) nhưng tài sản này không còn hóa đơn mua hàng thì có được chấp nhận không ạ? Cần làm những thủ tục gì để hợp lý ạ?

    Công ty đăng ký hoạt động từ Tháng 5/2012 nhưng các thành viên đến nay vẫn chưa góp đủ vốn thì có bị phạt không ạ? 

    Mong luật sư tư vấn giúp. Cảm ơn luật sư!

     
    8152 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #449692   16/03/2017

    Chào bạn!

    Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp, tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:

    1.Về việc góp vốn bằng công cụ dụng cụ, tài sản cố định

    Trước hết, tại Điều 35, Khoản 1 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:

    “Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.”

    Như vậy, bạn có thể góp tài sản khác ngoài tiền mặt để tạo thành vốn công ty. Việc chuyển quyền sở hữu tài sản khi góp tài sản để tạo thành vốn vào doanh nghiệp được quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:

    “Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

    a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;

    b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.”

    Theo đó, cá nhân, tổ chức được quyền góp vốn bằng tài sản. Đối với tài sản có đăng kí quyền sở hữu như ô tô, xe máy,… người góp vốn phải chuyển quyền sở hữu tài sản; đối với các tài sản không đăng kí quyền sở hữu như laptop, máy in,… thì việc giao nhận phải có xác nhận bằng biên bản.

    Thứ hai, theo Thông tư 39/2014/TT-BTC về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ tại Phụ lục 4, Điểm 2.15 quy định về góp vốn như sau:

    "2.15. Hóa đơn, chứng từ đối với tài sản góp vốn, tài sản điều chuyển được thực hiện như sau:

    a) Bên có tài sản góp vốn là cá nhân, tổ chức không kinh doanh:

    a.1. Trường hợp cá nhân, tổ chức không kinh doanh có góp vốn bằng tài sản vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì chứng từ đối với tài sản góp vốn là biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản.

    a.2. Trường hợp cá nhân dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, giá trị quyền sử dụng đất để thành lập doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư thì không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp tư nhân, trường hợp không có chứng từ hợp pháp chứng minh giá vốn của tài sản thì phải có văn bản định giá tài sản của tổ chức định giá theo quy định của pháp luật để làm cơ sở hạch toán giá trị tài sản cố định.

    b) Bên có tài sản góp vốn, có tài sản điều chuyển là tổ chức, cá nhân kinh doanh:

    b.1. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản. "

    Căn cứ theo quy định trên thì trường hợp cá nhân không kinh doanh có góp vốn bằng tài sản (công cụ dụng cụ, tài sản cố định) vào Công ty cổ phần thì chứng từ đối với tài sản góp vốn là biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản. Trường hợp cá nhân kinh doanh góp vốn bằng tài sản (CCDC, TSCĐ) vào Công ty cổ phần phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.

    Như vậy, hóa đơn, chứng từ đối với tài sản cố định góp vốn là một chứng cứ quan trọng để các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí. Nếu không có hóa đơn hay chứng từ hợp pháp chứng minh giá vốn của tài sản thì phải có văn bản định giá tài sản của tổ chức định giá theo quy định của pháp luật để làm cơ sở hạch toán giá trị tài sản cố định.

    2. Thời hạn góp vốn

    Do công ty bạn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào tháng 05/2012, khi đó, Luật doanh nghiệp 2014 chưa có hiệu lực thi hành nên luật điều chỉnh vấn đề này là Luật doanh nghiệp 2005.

    Thời hạn góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên được quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp 2005 như sau:

    “3. Thời hạn mà thành viên, chủ sở hữu công ty phải góp đủ số vốn đã cam kết vào vốn điều lệ quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này không quá 36 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên.”

    Theo quy định này, Công ty bạn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào tháng 05/2012, thì hạn cuối cùng để các thành viên góp vốn là khoảng tháng 05/2015. Hơn nữa, Luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 (sau hạn chót để các thành viên góp vốn) mà thời điểm bạn hỏi đã là tháng 12/2014 nên hành vi của các thành viên chưa góp vốn chưa bị coi là không góp đủ và đúng hạn số vốn đã đăng ký khi đăng kí thành lập doanh nghiệp.

    Hiện tại, do các thông tin mà bạn cung cấp còn hạn chế, nên tôi chỉ có thể trả lời sơ bộ cho bạn như vậy. Để có được câu trả lời chính xác hơn bạn nên liên hệ trực tiếp với luật sư để cung cấp thêm những thông tin cụ thể, cũng như trao đổi để tìm ra phương án tốt nhất.

    Chuyên viên tư vấn Nguyễn Hà Tường Vân

    BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM

    M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com

    Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.

     
    Báo quản trị |