Gửi đến mọi người bài phỏng vấn TS.Ngô Hữu Phước - Giảng viên Khoa Luật QUốc tế, Đại học luật Tp.HCM về vấn đề này trên báo Tuổi trẻ.
Không cương quyết, Trung Quốc sẽ “lộng giả thành chân”
TS NGÔ HỮU PHƯỚC nói: “Nếu chúng ta không cương quyết đáp trả hoặc đáp trả không đủ mức độ thì Trung Quốc sẽ đắc ý cho rằng hôm nay họ đã vào vùng biển này, chúng ta lao ra ngăn cản, nhưng không làm gì được họ, không cãi được lý luận của Trung Quốc về chủ quyền mà họ khẳng định. Rồi từ đó họ sẽ “lộng giả thành chân”, mặc nhiên vơ nhận chủ quyền bất hợp pháp, thực hiện nhiều mưu đồ của mình”.
Đe dọa tự do hàng hải
TS NGÔ HỮU PHƯỚC
* Trung Quốc đang ngụy biện ra những căn cứ pháp lý nào để thực hiện việc hạ đặt giàn khoan này, thưa TS?
- Cách làm của Trung Quốc là luôn lật ngược lại, tráo trở. Khi chúng ta đang thực hiện các biện pháp hòa bình để phản đối việc hạ đặt giàn khoan, xâm phạm chủ quyền thì họ cho rằng Việt Nam có hành vi quấy rối, vùng biển đưa giàn khoan vào là của họ. Họ căn cứ theo “đường lưỡi bò” vốn được họ tự đặt ra từ năm 1946 và đưa ra tuyên bố với quốc tế năm 2009, nhưng không dựa trên cơ sở pháp lý nào cả. Bởi vì trong luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật biển chỉ cho phép tuyên bố chủ quyền vùng biển trong Công ước Luật biển năm 1982. Còn “đường lưỡi bò” chẳng có căn cứ nào cả, Việt Nam không công nhận và thế giới cũng không công nhận.
* Trên một số diễn đàn của Trung Quốc, có ý kiến tự nhận bãi cạn Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc chiếm giữ trái phép) đang do Trung Quốc kiểm soát và cho rằng họ có quyền hạ giàn khoan, chỉ cách bãi cạn Tri Tôn 17 hải lý?
- Đây lại là một giọng điệu ngụy biện. Người Trung Quốc nào nói như vậy, cứ đưa cho họ đọc lại điều 121 trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 nói rõ là với các đảo (vùng đất nhô lên mặt nước) có đời sống kinh tế độc lập thì sẽ được một vùng đặc quyền bao quanh bên ngoài lãnh hải 12 hải lý. Còn với những bãi cạn, nửa chìm nửa nổi thì luật pháp quốc tế chỉ cho một vùng “an toàn” quanh đó khoảng 500m. Do vậy, khu vực hạ giàn khoan HD981 cách bãi Tri Tôn 17 hải lý và cách bờ biển Việt Nam 119 hải lý thì vị trí đó vẫn hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc không có quyền gì cả.
* TS cho rằng Trung Quốc đang “lộng giả thành chân”, bất chấp luật pháp quốc tế để thực hiện nhiều mưu đồ, cụ thể là gì?
- Chẳng có ai đi thăm dò dầu khí mà kéo theo tàu chiến, máy bay yểm trợ như Trung Quốc đang làm. Hành động của họ không đơn thuần chỉ là thăm dò khai thác dầu khí, xâm phạm chủ quyền Việt Nam mà còn là sự cản trở hoạt động hàng hải quốc tế trên toàn bộ hành lang hàng hải ở biển Đông, nơi có đến 35% hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy của thế giới hằng năm. Theo tôi, về phương diện truyền thông, Việt Nam cần phải khai thác mạnh để bảo vệ cho Việt Nam và bảo vệ cho cộng đồng quốc tế. Nếu chúng ta nói hành vi này của Trung Quốc chỉ vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam là chưa đủ.
Đi theo giàn khoan HD981 là 80 tàu, trên có máy bay, thiết lập một vùng bán kính 3 hải lý cấm đi lại, cản trở cực kỳ với an ninh hàng hải quốc tế. Điều này trái với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, trái với quy tắc ứng xử DOC, trái với nguyên tắc sáu điểm về biển Đông. Trong các văn bản này điều mấu chốt là các bên dù có tranh chấp thì cũng phải tính tới lợi ích của cộng đồng quốc tế về tự do hàng hải. Do đó hành vi của Trung Quốc là ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước xung quanh, các cường quốc. Và cần phải lên án, bám vào luận điểm này, việc này để nhận được sự ủng hộ đông đảo hơn của cộng đồng quốc tế.
Lịch sử là một quyển sách dày
* Là một người nghiên cứu, giảng dạy về công pháp quốc tế, TS có suy nghĩ gì trước câu chuyện chủ quyền đất nước đang bị xâm phạm?
- Ngày hôm nay tôi đọc một bài báo, có nêu ý kiến của một em học sinh nói rằng giá như không có chiến tranh thì lịch sử rất mỏng và các em đã học rất dễ. Điều đó cũng là sự cảnh báo cho những ai đang xâm lấm chủ quyền của Việt Nam rằng suốt chiều dài lịch sử 4.000 năm, dân tộc Việt Nam chưa từng thua một cường quốc nào trên thế giới.
Tôi muốn mượn ý của Tổng thống Nga Putin rằng đè một cái lò xo quá mạnh thì sẽ bung lên rất mạnh, thậm chí mạnh hơn rất nhiều cái lực đã đè. Đó là điều cần thiết để cảnh báo Trung Quốc. Khi chúng ta đã giải quyết ôn hòa bằng ngoại giao nhưng họ lấn tới thì sẽ phải sử dụng biện pháp mạnh tương ứng. Xưa nay không phải cứ nước giàu thắng nước nghèo, nước lớn thắng nước nhỏ hơn. Và mới hôm qua, khi Trung Quốc đang xua tàu lao vào tàu Việt Nam thì trên đất liền chúng ta cũng đang tổ chức kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ...
Câu chuyện nóng bỏng những ngày này ở Hoàng Sa là một sự kiện mang tính chất cảnh báo với chúng ta về bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và chủ quyền quốc gia với lãnh thổ trên biển. Năm 2011, Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, nhưng hạ giàn khoan còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Cắt cáp chỉ là hành vi cản trở, còn đây là vào khai thác tài nguyên ngay trong vườn nhà người khác.
* Về học thuật, TS có truyền đạt và yêu cầu sinh viên của mình và những bạn trẻ khác thực hiện điều gì để góp sức khẳng định chủ quyền đất nước?
- Tôi luôn khuyến khích các sinh viên của mình và kêu gọi mọi người hãy cố gắng tham gia bình luận, phản hồi các diễn đàn trên mạng bằng nhiều thứ tiếng khác nhau về chủ quyền của Việt Nam trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bởi Trung Quốc vừa ăn cướp vừa la làng - vừa quấy phá, đặt giàn khoan lại vừa nói với dư luận của họ là Việt Nam quấy phá. Và trí thức của Việt Nam cần phải có thông tin để “đập lại”, trao đổi lại, nói lại.
Theo tuoitre.vn