Xem thêm:
>>> Từ 15/11/2019: Cán bộ, công chức nên biết thông tin này
>>> Những việc cán bộ, công chức cấp xã không được làm
(Chinhphu.vn) – Ông Ngô Vương (Hưng Yên) đề nghị được hướng dẫn về chế độ phụ cấp công vụ với trường hợp giữ 2 chức vụ là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện và Bí thư Đảng ủy xã.
Theo phản ánh của ông Vương, ông H là Phó Trưởng ban tổ chức Huyện ủy, tháng 4/2017 có quyết định điều động đến nhận công tác tại UBND huyện (thuộc đối tượng luân chuyển theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy). Tới tháng 6/2017, UBND huyện ra quyết định điều động ông H đến công tác tại Hội Chữ thập đỏ huyện.
Từ tháng 7/2017, ông H được bầu tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện. Tháng 8/2019, Huyện ủy ra quyết định phân công, điều động, chỉ định ông H tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy và giữ chức Bí thư Đảng ủy xã (nhiệm kỳ 2015-2020) từ tháng 9/2019.
Hiện nay ông H đang giữ 2 chức vụ là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện và Bí thư Đảng ủy xã theo sự phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy. Ông Vương hỏi, việc chi trả phụ cấp công vụ đối với ông H được thực hiện như thế nào?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Ngô Vương như sau:
Theo Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp công vụ (tình trạng còn hiệu lực), trong 7 nhóm đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp công vụ, có 2 nhóm đối tượng nêu tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này, gồm:
- Công chức theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức và các Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 12 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức; không bao gồm công chức quy định tại Điều 11 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP;
- Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn quy định tại Khoản 3, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức và Điều 3 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Trường hợp công chức được luân chuyển giữ chức vụ tại tổ chức xã hội
Khoản 2, Điều 6 Thông tư 08/2013/TT-BNV ngày 2/6/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về trường hợp công chức được cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp quy định tại Điều 12 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP như sau:
Các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp quy định tại Điều 12 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP gồm: Chủ tịch chuyên trách, Phó Chủ tịch chuyên trách, Tổng Thư ký của tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở Trung ương, cấp tỉnh.
Công chức được luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp vẫn được xác định là công chức.
Theo Mục 9 Phụ lục Danh sách Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước (Ban hành kèm theo Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 1/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ), và Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-TTg ngày 8/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ) thì Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội hoạt động nhân đạo.
Tổ chức của Hội gồm: Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh); Hội Chữ thập đỏ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh và tương đương (gọi chung là cấp huyện); Hội Chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn và tương đương (gọi chung là cấp xã).
Tháng 6/2017, UBND huyện ra quyết định điều động ông H đến công tác tại Hội Chữ thập đỏ huyện từ tháng 7/2017 để Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ bầu tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện. Căn cứ Điều 6 Thông tư số 08/2011/TT-BNV, chức vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cấp huyện không phải là chức vụ chủ chốt tại tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp quy định tại Điều 12 Nghị định 06/2010/NĐ-CP.
Với chức vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện, ông H không được xác định là công chức và không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp công vụ theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP.
Trường hợp giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã
Điểm a, Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP (tình trạng còn hiệu lực) quy định, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy cấp xã, là cán bộ cấp xã.
Tháng 8/2019, Huyện ủy ra quyết định phân công, điều động, chỉ định ông H tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy và giữ chức Bí thư Đảng ủy xã (nhiệm kỳ 2015-2020) từ tháng 9/2019.
Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP kể từ thời điểm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã (tháng 9/2019), ông H được xác định là cán bộ cấp xã, thuộc đối tượng hưởng phụ cấp công vụ theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP,
Nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp công vụ cho ông H được bảo đảm từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác của cơ quan UBND xã. Phương thức chi thực hiện chế độ phụ cấp công vụ được hướng dẫn bởi Khoản 3, Điều 2,Thông tư 74/2012/TT-BTC ngày 14/5/2012 của Bộ Tài chính.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Cổng thông tin điện tử Chính phủ