Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Khi xét hành vi “giết kẻ hiếp dâm mình” có được xem là phòng vệ chính đáng hay không cần hội đủ 03 yếu tố:
Thứ nhất, hành vi để dẫn tới hành động phòng vệ phải là hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, tổ chức, của cá nhân người phòng vệ. Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tùy thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân.
Thứ hai, về phía người phòng vệ, nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe về cho người có hành vi xâm phạm. Người kia gây tổn hại về sức khỏe cho bạn và sau đó bạn cũng gây tổn hại về sức khỏe lại cho người đó.
Thứ ba, hành vi chống trả là cần thiết. Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi ích của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Theo quan điểm của mình, từ những yếu tố trên, trường hợp của bạn có thể được xem xét là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng dẫn đến vô ý làm chết người.
- Có thể thấy hành vi “lôi vào đoạn đường vắng để giở trò đồi bại” của nạn nhân trên có thể được xem là hiếp dâm. Hành vi này là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm xâm hại đến sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm, danh dự của người khác nên hoàn toàn có quyền phát sinh hành động phòng vệ để chống trả lại.
- Tuy nhiên, việc đối tượng trên “luôn thủ sẵn dao trong người”; vì mục đích phòng thân đi chăng nữa; là vi phạm pháp luật về tàng trữ, sử dụng vũ khí, có thể vị phạt theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Hơn nữa, theo như tình huống trên, đối tượng đã đâm nạn nhân 2 nhát vào tay và ngực. Trong trường hợp này, nếu như đã dùng dao đâm 1 nhát vào tay thì việc đâm vào ngực có thể được xem là vượt quá mức phòng vệ cần thiết. Việc nạn nhân chết do mất quá nhiều máu có thể không nằm trong dự tính của đối tượng.
- Hành vi chống trả vượt quá giới hạn phòng về chính đáng này có thể bị kết vào tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015. Vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội tuy thấy chính hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra còn có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Đây chỉ là một vài phân tích dựa trên góc độ pháp luật và nội dung câu hỏi. Việc để kết luận trường hợp này có phải là phòng vệ chính đáng hay không còn dựa trên nhiều yếu tố thông qua quá trình điều tra và xét xử.