Để được cấp Giấy phép lao động, người lao động nước ngoài trước hết phải đáp ứng điều kiện về người lao động là công dân nước ngoài như đã phân tích về năng lực hành vi dân sự, về năng lực chuyên môn, về tình trạng sức khỏe và không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài (Điểm a, b, c khoản 1 Điều 169 Bộ luật Lao động 2012; Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 9 Nghị định 11/2016/NĐ-CP).
Và được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng lao động nước ngoài (Khoản 5 Điều 9 Nghị định 11/2016/NĐ-CP). Việc chấp thuận của Sở Lao động Thương binh và Xã hội theo ủy quyền của UBND cấp tỉnh là cơ sở để người sử dụng lao động là người nước ngoài nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Sau khi được cấp Giấy phép lao động, người lao động nước ngoài phải giữ Giấy phép lao động đó để làm các thủ tục liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh khi di chuyển ra vào lãnh thổ Việt Nam. Hoặc xuất trình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này được cho là một trong những nghĩa vụ buộc người lao động nước ngoài phải thực hiện khi làm việc tại Việt Nam.
Công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam không có Giấy phép lao động, Giấy phép lao động đã hết hạn hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động theo quy định tại Điều 172 Bộ luật Lao động 2012 sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Chính phủ (Điều 18 Nghị định 11/2016/NĐ-CP). Người sử dụng lao động sử dụng công dân nước ngoài mà không có Giấy phép lao động làm việc cho mình thì bị xử lý theo quy định của pháp luật (Khoản 3 Điều 31 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).