Những vật chứng trong các vụ án hình sự, dân sự sẽ được niêm phong và được dán giấy niêm phong. Vậy giấy niêm phong vật chứng là gì và ai được mở giấy niêm phong vật chứng?
Giấy niêm phong vật chứng là gì?
Theo Điều 3 Nghị định 127/2017/NĐ-CP quy định như sau:
Giấy niêm phong là giấy có tính bền vững cao, trên đó ghi tên cơ quan chủ trì tổ chức niêm phong vật chứng, họ tên, chữ ký hoặc điểm chỉ (kèm chú thích họ tên người điểm chỉ) của những người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng, người tham gia niêm phong vật chứng, thời gian niêm phong vật chứng và đóng dấu của cơ quan chức năng.
Theo đó, giấy niêm phong vật chứng được sử dụng để đảm bảo tính nguyên vẹn của vật chứng bằng cách:
- Đưa vật chứng vào trạng thái được bảo vệ an toàn, bao gồm gói, đóng hộp, đưa vào thùng, chai, lọ và các hình thức khác (gọi là đóng gói, đóng kín) và dán giấy niêm phong đè lên những phần có thể mở để lấy, đổi vật chứng hoặc có thể tác động làm thay đổi tính nguyên vẹn của vật chứng;
- Đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên những bộ phận quan trọng của vật chứng;
- Đối với một số loại vật chứng có thể sử dụng khóa, kẹp dây chì, dây thép và các hình thức khác để bao bọc vật chứng sau đó dán giấy niêm phong.
Như vậy, để bảo vệ vật chứng được nguyên vẹn, cơ quan có thẩm quyền sẽ niêm phong vật chứng và dán giấy niêm phong vật chứng có thông tin cơ quan và những người tổ chức, tham gia niêm phong, thời gian niêm phong vật chứng.
Ai được mở giấy niêm phong vật chứng?
Cũng tại Điều 3 Nghị định 127/2017/NĐ-CP quy định mở niêm phong vật chứng là gỡ giấy niêm phong và mở đóng gói hoặc đóng kín vật chứng đối với vật chứng được đóng gói hoặc đóng kín; gỡ giấy niêm phong đối với vật chứng không đóng gói hoặc không đóng kín hoặc không di chuyển được.
Theo đó, tại Điều 6 Nghị định 127/2017/NĐ-CP quy định người tổ chức thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng bao gồm:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên.
- Cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
- Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đang thụ lý vụ án trong giai đoạn truy tố, xét xử, thi hành án.
Đồng thời, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng được quy định tại Điều 12 Nghị định 127/2017/NĐ-CP như sau:
- Chủ trì việc tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng.
- Mời, triệu tập người, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng.
-. Đề nghị và thực hiện thủ tục xuất kho vật chứng; thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Kiểm tra niêm phong trước khi mở niêm phong vật chứng.
- Mở niêm phong vật chứng.
- Kiểm tra vật chứng sau khi mở niêm phong.
- Ký, ghi rõ họ tên vào biên bản mở niêm phong vật chứng; chú thích họ tên của người điểm chỉ (nếu có) vào biên bản mở niêm phong vật chứng.
Như vậy, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên; Cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đang thụ lý vụ án trong giai đoạn truy tố, xét xử, thi hành án sẽ là những người có quyền mở niêm phong vật chứng,
Ai được tham gia niêm phong, mở niêm phong vật chứng?
Theo Điều 7 Nghị định 127/2017/NĐ-CP quy định người tham gia niêm phong, mở niêm phong vật chứng bao gồm:
- Người tham gia niêm phong vật chứng:
+ Người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi thực hiện niêm phong vật chứng;
+ Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có);
+ Người bào chữa (nếu có).
- Người tham gia mở niêm phong vật chứng:
+Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có);
+ Người bào chữa (nếu xét thấy cần thiết);
+ Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi mở niêm phong vật chứng (trong trường hợp cần thiết);
+ Đại diện cơ quan quản lý vật chứng được niêm phong trong những trường hợp vật chứng được bảo quản tại các cơ quan chuyên môn.
Như vậy, những người được quy định trên sẽ được tham gia quá trình niêm phong, mở niêm phong vật chứng.
Theo đó, họ có những trách nhiệm như: có mặt tham gia niêm phong, mở niêm phong khi có yêu cầu của người tổ chức; chứng kiến quá trình niêm phong, mở niêm phong; tham gia kiểm tra niêm phong, mở niêm phong; ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản niêm phong, mở niêm phong. Ngoài ra người tham gia niêm phong còn phải ký tên vào giấy niêm phong vật chứng.