Đây là một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Theo nội dung của bản dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, có quy định cụ thể về vai trò và nhiệm vụ của cơ sở giáo dục, thành viên công tác trong cơ sở giáo dục trong công tác phòng chống bạo lực học đường.
1. Vai trò và nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục:
- Các cơ sở giáo dục có hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường phải:
+ Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông báo, tố giác về bạo lực học đường;
+ Thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường;
+ Trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực học đường, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho thành viên thuộc cơ sở giáo dục.
- Cơ sở giáo dục có quy trình tiếp nhận thông tin và xử lý trường hợp bạo lực học đường, cụ thể như sau:
+ Tiến hành xác minh thông tin về đối tượng, địa điểm, thời gian, hình thức bạo lực và đánh giá nguy cơ bạo lực, mức độ tổn hại ban đầu;
+ Thực hiện các biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời trong trường hợp khẩn cấp;
+ Thông báo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguồn ảnh: Báo Giáo dục
2. Vai trò và nhiệm vụ của thành viên thuộc cơ sở giáo dục được quy định như sau:
- Chủ động áp dụng phương pháp giáo dục bằng các biện pháp tích cực, không bạo lực;
- Không xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác;
- Không cổ vũ, kích động hành vi bạo lực;
- Có trách nhiệm thông báo, tố giác các hành vi bạo lực học đường đến cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền;
- Ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân.
Chiếu theo những quy định trên của bản dự thảo, ta có thể thấy một số điều như sau:
- Thầy/cô giáo không được tịch thu đồ chơi của học sinh: Đây là điều thường xuyên diễn ra ở các trường học, đặc biệt là ở những trường học tiểu học, nơi mà những em học sinh còn nhỏ, hiếu động mang đồ chơi đến trường và đem ra để chơi trong giờ học. Các thầy cô giáo phát hiện ra và tiến hành "tịch thu" của các em. Tất nhiên sau đó các thầy cô giáo sau giờ học sẽ trả lại cho các em, hoặc trả lại cho phụ huynh của các em. Đây là những hành động thường thấy từ trước đến nay. Tuy nhiên nếu dự thảo này được thông qua thì việc làm này của các giáo viên có thể bị xem là "xâm phạm tài sản của người khác", vi phạm Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.
- Những thầy/cô giáo nếu đủ điều kiện về sức khỏe và những điều kiện khả năng khác của bản thân, nếu phát hiện hành vi bạo lực học đường thì phải can thiệp.
VD: Một thầy giáo to cao, vạm vỡ nếu thấy mấy em học sinh đánh nhau mà không can thiệp thì thầy giáo này sẽ bị xem như là vi phạm Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.
Cập nhật bởi Dong_Bich ngày 09/03/2017 03:09:37 CH