Giao dịch dân sự được hiểu là hành vi pháp lý đơn phương hoặc hợp đồng nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong cuộc sống hàng ngày mỗi người chúng ta bắt gặp cũng như tự mình thực hiện các giao dịch dân sự, để một giao dịch dân sự có hiệu lực cần thỏa mãn các điều kiện nhất định về nội dung và hình thức quy định tại điều 122 Bộ luật dân sự, đồng thời pháp luật cũng quy định các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu trong đó có giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo.
Giao dịch giả tạo được quy định tại điều 124 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo
1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.
Như vậy pháp luật chưa có một khái niệm cụ thể, rõ ràng về giao dịch dân sự, giao dịch dân sự được xác lập do giả tạo. Điều này có thể gây ra một số khó khăn cho các cá nhân cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiếp cận. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng đôi khi có những chế định không cần khái niệm cụ thể nhưng nếu có bổ sung sẽ tạo nên sự hoàn chỉnh của pháp luật.