Về trường hợp này mình xin chia sẻ như sau:
- Thứ nhất, anh A này đang bị Tòa án tuyên bố là bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Mặc dù anh A đã cai nghiện về nhưng Tòa án vẫn chưa có Quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự (Anh A vẫn còn bị xem là người bị hạn chế năng lực HVDS theo quy định tại Điều 24 Bộ luật dân sự 2015:
"Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự
1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
2. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự."
- Thứ hai, khi đã xem là hạn chế năng lực HVDS thì giao dịch mua bán (cụ thể ở đây là mua dàn máy điện tử) phải được sự đồng ý của người vợ (người đại diện theo pháp luật) - vì giá trị giao dịch này là khá cao, nó không nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Các giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày được hiểu là các giao dịch có giá trị nhỏ, mục đích là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập, vui chơi hàng ngày trong cuộc sống.
- Thứ ba, để xác định số tiền mua dàn máy của anh A là tài sản riêng thì anh A phải chứng minh được nó có trước khi kết hôn hoặc tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc nó là số tiền do anh A tự tạo ra và có thỏa thuận với vợ đây là tài sản riêng thì mới xem đó là tài sản riêng được.
- Thứ tư, việc ông C nói anh A là chủ gia đình thì anh A có toàn quyền quyết định, như vậy là chưa đủ cơ sở. Vì hiện tại anh A vẫn bị xem là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Và có thể việc mua, bán giữa anh A và ông C sẽ thể bị Tòa tuyên là giao dịch dân sự vô hiệu (hai bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận) nếu người vợ có yêu cầu Tòa tuyên bố giao dịch này vô hiệu theo quy định tại Điều 125 Bộ luật dân sự 2015.