Chào bạn,
Liên quan đến vấn đề bạn đề cập, tôi có một vài thông tin cung cấp như sau:
Đối với trường hợp mà bạn đề cập, Doanh nghiệp B có dấu hiệu của hành vi “Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết trong các giao dịch mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, phương thức vận chuyển, thanh toán, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ”. Đây là hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá tại điểm b khoản 2 Điều 7 Luật Giá 2023.
Tuy nhiên, để xác định chính xác những cá nhân tham gia ký phê duyệt việc áp giá trên phạm tội gì thì cần phải thông qua hoạt động điều tra của cơ quan có thẩm quyền để xác định cụ thể hành vi mà những cá nhân này đã thực hiện, quá trình thực hiện như thế nào, là vô ý hay cố ý gây ra thiệt hại, các bên có sự móc nối gì với nhau hay không,… Các thông tin mà bạn cung cấp là chưa đủ để định tội danh. Tuy nhiên hành vi của những cá nhân tham gia ký phê duyệt việc áp giá trên có thể liên quan đến các tội danh dưới đây, bạn có thể tham khảo qua:
- Đối với các cá nhân bên Doanh nghiệp B: có thể tham khảo qua Tội lừa dối khách hàng tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
“Điều 198. Tội lừa dối khách hàng
1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
- Đối với các cá nhân bên Doanh nghiệp A: có thể tham khảo qua Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Điều 179 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
“Điều 179. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Thông tin đến bạn.