Hiện nay, tình trạng gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh diễn ra ngày càng nhiều gây ảnh hưởng rất nhiều đến ngành giáo dục, nhất là trong hệ thống giáo dục quốc dân. Vậy pháp luật quy định các hành vi nào được xem là hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục?
Pháp luật quy định như thế nào về chương trình giáo dục hiện nay?
Căn cứ Điều 8 Luật giáo dục 2019 có quy định về chương trình giáo dục như sau:
- Chương trình giáo dục thể hiện mục tiêu giáo dục; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học; phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục; phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục; cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp học, mỗi cấp học hoặc các môn học, mô-đun, ngành học đối với từng trình độ đào tạo.
- Chương trình giáo dục phải bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; kế thừa, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; tạo điều kiện cho phân luồng, chuyển đổi giữa các trình độ đào tạo, ngành đào tạo và hình thức giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để địa phương và cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp; đáp ứng mục tiêu bình đẳng giới, yêu cầu hội nhập quốc tế. Chương trình giáo dục là cơ sở bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện.
- Chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực người học quy định trong chương trình giáo dục phải được cụ thể hóa thành sách giáo khoa đối với giáo dục phổ thông; giáo trình và tài liệu giảng dạy đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Sách giáo khoa, giáo trình và tài liệu giảng dạy phải đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục.
- Chương trình giáo dục được tổ chức thực hiện theo năm học đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ hoặc kết hợp giữa tín chỉ và niên chế đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
Kết quả học tập môn học hoặc tín chỉ, mô-đun mà người học tích lũy được khi theo học một chương trình giáo dục được công nhận để xem xét về giá trị chuyển đổi cho môn học hoặc tín chỉ, mô-đun tương ứng trong chương trình giáo dục khác khi người học chuyên ngành, nghề đào tạo, chuyển hình thức học tập hoặc học lên cấp học, trình độ đào tạo cao hơn.
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc thực hiện chương trình giáo dục và việc công nhận về giá trị chuyển đổi kết quả học tập trong đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều này.
Như vậy, chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân phải đảm bảo các quy định nêu trên.
Pháp luật quy định như thế nào về việc đầu tư cho giáo dục?
Căn cứ Điều 17 Luật giáo dục 2019 có quy định về việc đầu tư cho giáo dục như sau:
- Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.
- Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; ưu tiên đầu tư cho phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp.
Nhà nước khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục.
- Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Như vậy, việc đầu tư cho giáo dục là một vấn đề rất quan trọng và ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Gian lận trong học tập có phải là hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục hay không?
Căn cứ Điều 22 Luật giáo dục 2019 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục như sau:
- Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học.
- Xuyên tạc nội dung giáo dục.
- Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
- Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.
- Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
- Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
Theo đó, pháp luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục nêu trên. Trong đó có hành vi “Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh” được xem là hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục.
Từ những căn cứ nêu trên, có thể thấy Nhà nước ta đang rất chú trọng trong hoạt động giáo dục, đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục để đảm bảo đất nước ngày càng phát triển, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao.