Đối với hành vi dán giấy lên các cột đèn giao thông và cổng cơ quan nhà nuớc với nội dung bôi xấu lãnh đạo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào nội dung nói xấu và mức độ nghiêm trọng của hành vi này đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của vị lãnh đạo đó. Cụ thể:
Hành vi nói xấu lãnh đạo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:
“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác”.
Như vậy, việc dán giấy có nội dung nói xấu lãnh đạo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo điểm a Khoản 1 Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, nếu nội dung nói xấu xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội làm nhục người khác. Cụ thể:
“Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, nếu những lời lẽ nói xấu được ghi ở trên giấy là nặng nề, tục tĩu nhằm mục đích lăng mạ, chửi rủa lãnh đạo, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của vị lãnh đạo đó thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo Khoản 1 Điều 155 nêu trên và bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Như vậy, để xác định hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự còn căn cứ vào nội dung nói xấu, xúc phạm cũng như tính chất nghiêm trọng của hành vi và sự ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của vị lãnh đạo đó.