Giảm nợ cho khách hàng có được trừ khi tính thuế TNDN nghiệp không?

Chủ đề   RSS   
  • #617355 11/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 474 lần


    Giảm nợ cho khách hàng có được trừ khi tính thuế TNDN nghiệp không?

    Việc giảm nợ cho khách hàng là một hoạt động kinh doanh phổ biến. Tuy nhiên, liệu khoản giảm nợ này có được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hay không?

    (1) Các khoản chi nào được trừ khi tính thuế TNDN?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bao gồm:

    - Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, trừ phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường;

    - Khoản tiền phạt do vi phạm hành chính;

    - Khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác;

    - Phần chi phí quản lý kinh doanh do doanh nghiệp nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam vượt mức tính theo phương pháp phân bổ do pháp luật Việt Nam quy định;

    - Phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật về trích lập dự phòng;

    - Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa vượt định mức tiêu hao do doanh nghiệp xây dựng, thông báo cho cơ quan thuế và giá thực tế xuất kho;

    - Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay;

    - Trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định của pháp luật;

    - Khoản trích trước vào chi phí không đúng quy định của pháp luật;

    - Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán khác để trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật;

    - Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu;

    - Thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ, thuế giá trị gia tăng nộp theo phương pháp khấu trừ, thuế thu nhập doanh nghiệp;

    - Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 10% tổng số chi được trừ; đối với doanh nghiệp thành lập mới là phần chi vượt quá 15% trong ba năm đầu, kể từ khi được thành lập. Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hóa bán ra;

    - Khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai và làm nhà tình nghĩa cho người nghèo theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, ngoài các khoản chi này, tất cả các khoản chi còn lại đều được trừ khi xác định thuế TNDN nếu đáp ứng được 02 điều kiện sau đây:

    - Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

    - Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi không thuộc khoản 2 Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, với điều kiện các khoản chi đó phải đáp ứng các điều kiện nêu trên.

    (2) Giảm nợ cho khách hàng có được trừ khi tính thuế TNDN nghiệp không?

    Theo phân tích ở trên, quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thuế TNDN không có quy định về khoản chi do giảm nợ cho khách hàng.

    Vậy có phải khoản chi giảm nợ này cũng sẽ được trừ khi xác định thuế TNDN nếu khoản chi này đáp đáp ứng được 02 điều kiện là khoản chi phát sinh thực tế liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và có đủ hóa đơn, chứng từ không?

    Liên quan đến vấn đề này, theo hướng dẫn về việc thu nợ khó đòi tại Công văn 7917/CT-TTHT ngày 16/10/2012 của Cục thuế TP.HCM, Cục thuế nêu rõ:

    Trường hợp công ty có phát sinh khoản nợ phải thu khó đòi, nếu khoản nợ phải thu khó đòi này đảm bảo các điều kiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 228/2009/TT-BTC thì công ty được trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 228/2009/TT-BTC.

    Trường hợp công ty tự thỏa thuận giảm nợ cho khách hàng thì khoản nợ này không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. 

    Theo đó, tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 228/2009/TT-BTC quy định, sau khi lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, doanh nghiệp tổng hợp toàn bộ khoản dự phòng các khoản nợ vào bảng kê chi tiết để làm căn cứ hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.

    Như vậy, căn cứ theo hướng dẫn tại Công văn 7917/CT-TTHT, nếu công ty tự nguyện giảm nợ mà không có căn cứ pháp lý rõ ràng như lập dự phòng cho khoản nợ phải thu khó đòi thì khoản chi này sẽ không được công nhận là chi phí hợp lệ để trừ vào thu nhập chịu thuế TNDN.

    Do đó, doanh nghiệp cần thực hiện theo các hướng dẫn tại Thông tư 228/2009/TT-BTC lập dự phòng khoản nợ phải thu khó đòi để khoản nợ này cũng được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN.

     
    120 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận