Người lao động (NLĐ) dành phần lớn thời gian để làm việc, việc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình công tác, lao động là điều khó tránh khỏi. Vậy trường hợp nào người lao động được giám định mức suy giảm khả năng lao động? Công ty có quyền bắt buộc NLĐ đi giám định y khoa để giải quyết chế độ cho nghỉ hưu không?
1. Trường hợp nào người lao động được giám định mức suy giảm khả năng lao động?
Căn cứ Điều 47 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về các trường hợp giám định mức suy giảm khả năng lao động như sau:
- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;
+ Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;
+ Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
- Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;
+ Bị tai nạn lao động nhiều lần;
+ Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.
- Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó; trường hợp do tính chất của bệnh nghề nghiệp khiến người lao động suy giảm sức khỏe nhanh thì thời gian giám định được thực hiện sớm hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Như vậy, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động trong trường hợp sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe; Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định; Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị. Và được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp; Bị tai nạn lao động nhiều lần hoặc Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.
2. Công ty có quyền bắt buộc NLĐ đi giám định y khoa để giải quyết chế độ cho nghỉ hưu không?
Căn cứ Khoản 3 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động là giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
Đồng thời, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau:
- Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%;
+ Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
+ Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
- Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;
+ Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Như vậy, người sử dụng lao động không có quyền bắt buộc NLĐ phải đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa mà chỉ có thể giới thiệu NLĐ thuộc đối tượng hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đi khám giám định.