Căn cứ Điều 175 BLDS năm 2015 quy định về ranh giới giữa các bất động sản như sau:
“Điều 175. Ranh giới giữa các bất động sản
1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”
Theo thông tin bạn cung cấp ranh giới giữa nhà bạn đã mua và nhà hàng xóm là những gì. Do bạn không nêu rõ việc xác định ranh giới đó đã có thỏa thuận giữa hai bên hay chưa? Trường hợp chưa có thỏa thuận nhưng ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp thì ranh giới đó được pháp luật thừa nhận. Theo đó, các bên không được lấn chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách và có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Trong trường hợp này, cần xác định ranh giới này thuộc quyền sở hữu của gia đình phía bên nào hay thuộc quyền quản lý của nhà nước để xác định việc gia đình bác bạn lấn chiếm rãnh hào có vi phạm quy định của pháp luật hay không. Nếu như đây là đường hào thuộc quyền quản lý của nhà nước thì bác không có quyền xây dựng và gia đình cần gửi đơn đến UBND để yêu cầu xử lý về hành vi lấn, chiếm đất đai của bác. Còn nếu đây là phần diện tích sử dụng riêng của gia đình bạn hoặc là phần diện tích sử dụng chung của hai gia đình mà bác tự ý xây dựng thì các bên cần giải quyết tranh chấp đất đai. Căn cứ vào khoản 1, 2 Điều 202 và khoản 1, 2 Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định về giải quyết tranh chấp đất đai thì để giải quyết vấn đề tranh chấp phần đất đồi giữa gia đình bạn với gia đình nhà bác trước tiên bạn yêu cầu tiến hành hòa giải ở UBND cấp xã. Sau đó nếu hòa giải không thành thì bạn có thể thực hiện thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp huyện/ tỉnh hoặc nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.