Tưởng rằng câu chuyện “Đồng chí này con đồng chí nào?” hay “Xuất thân từ gia đình nào?” chỉ có ở những nơi tuyển dụng công chức, viên chức thì nay mình mới bất ngờ với mẫu Sơ yếu lý lịch có nội dung “Xuất thân từ gia đình:…” nhận được từ hồ sơ xin việc của một bạn trẻ mới ra trường.
Không rõ mẫu Sơ yếu lý lịch này là do ai soạn? Cũng không hiểu tại sao bạn trẻ này lại “dễ dãi” sử dụng mẫu Sơ yếu lý lịch có sẵn này mà không tự tay viết? May cho bạn này, mình không phải là người tuyển dụng, chứ nếu gặp hồ sơ này chắc loại ngay từ đầu vì đến Sơ yếu lý lịch cũng không tự viết được mà phải mua mẫu có sẵn, thể hiện sự lười biếng và thiếu chân thành khi đi xin việc.
Giả dụ như một bạn xuất thân từ gia đình bần cố nông, gia đình nông dân, hay có gia đình mà cha mẹ từng phạm tội thì sao? Điều này có quan trọng để đi xin việc không? Nếu như bạn là nhà tuyển dụng giữa 2 hồ sơ phải chọn 1, một người giỏi, có năng lực nhưng xuất thân từ gia đình nông dân nghèo hoặc một người kém hơn nhưng xuất thân từ gia đình công chức, viên chức, bạn chọn người nào?
Ở ta, nhiều doanh nghiệp, cơ quan vẫn còn quan trọng và nặng nề cái chuyện cha, mẹ, anh, chị, em như thế nào? Xuất thân từ gia đình nào? Và xem đây là yếu tố để xét có nên nhận người này không bên cạnh câu chuyện năng lực thực tế của người đó. Nhưng có thực sự cần thiết không, khi thời nay đã là thời buổi kinh tế thị trường, cạnh tranh công bằng mà còn xét đến chuyện xuất thân từ gia đình này nọ nữa?!
Đối với mình, câu chuyện kê khai cha, mẹ, anh, chị, em làm gì, ở đâu, chẳng qua để có thông tin về nhân thân của người đó, chứ không là tiêu chí để đánh giá con người của người đó, càng không phải là tiêu chí để nhận người đó vào làm việc hay không và là cơ sở để liên lạc với gia đình người này, phòng khi có sự kiện bất ngờ xảy ra…
Các bạn có ý kiến như thế nào về vấn đề này?