Gia súc mắc bệnh lở mồm long móng phải được xử lý thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #615666 26/08/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 494 lần


    Gia súc mắc bệnh lở mồm long móng phải được xử lý thế nào?

    Dịch bệnh lở mồm long móng là một bệnh nguy hiểm hay xuất hiện ở gia súc và gây nhiều thiệt hại cho người nông dân bởi lẽ tỉ lệ gia súc mắc bệnh chết rất cao. Vậy gia súc mắc bệnh lở mồm long móng phải được xử lý thế nào? 

    Lở mồm long móng là bệnh gì?

    Theo Tiểu mục 1.1 Mục 1 Phụ lục 10 Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định khái niệm bệnh lở mồm long móng như sau:

    - Bệnh Lở mồm long móng gia súc (Foot and Mouth Disease) là bệnh truyền nhiễm ở các loài động vật móng guốc chẵn, lây lan mạnh, gây ra bởi loài vi rút thuộc họ Picornaviridae, giống Aphthovirus. Vi rút có 7 típ là: A, O, C, Asia 1, SAT 1, SAT 2, SAT 3 với hơn 60 phân típ. Ở khu vực Đông Nam Á thường thấy 3 típ là O, A và Asia 1. Ở Việt Nam đã phát hiện típ O, A và Asia 1.

    - Sức đề kháng của vi rút: Vi rút LMLM dễ bị tiêu diệt bởi ánh nắng mặt trời, nhiệt độ cao (như đun sôi 100°C); vi rút tồn tại được nhiều tháng trong thịt đông lạnh, 5-15 phút ở 60°C, chết nhanh ở 100°C, 425 ngày ở 0-4°C; vi rút dễ bị tiêu diệt bởi các chất có độ toan cao (pH ≤ 3) và các chất kiềm mạnh như xút (pH ≥ 9); vi rút sống khoảng 07 ngày trong các chất thải hữu cơ ở chuồng nuôi và các chất có độ kiềm nhẹ (pH từ 7,2-7,8).

    Như vậy, bệnh lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở gia súc, đặc biệt là các loài móng guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê, cừu. Bệnh do virus thuộc họ Picornaviridae gây ra và có thể lây lan nhanh chóng.

    Gia súc mắc bệnh lở mồm long móng phải được xử lý thế nào? 

    Theo Mục 5 Phụ lục 10 Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về xử lý gia súc mắc bệnh như sau:

    - Gia súc mắc bệnh LMLM được xử lý như sau:

    + Đối với trâu, bò dê, cừu, hươu, nai: Tiêu hủy bắt buộc gia súc chết, gia súc mắc bệnh trong ổ dịch đầu tiên khi mới xuất hiện tại thôn, ấp, bản hoặc gia súc mắc bệnh với típ vi rút LMLM mới hoặc típ vi rút không xuất hiện trên địa bàn trong thời gian 10 năm trở lại đây;

    Đối với gia súc không thuộc diện nêu trên thì khuyến khích tiêu hủy; trường hợp không tiêu hủy thì được giết mổ tiêu thụ tại chỗ hoặc đánh dấu và nuôi giữ tại địa phương theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương trên cơ sở thời gian mang trùng của từng loài (02 năm đối với trâu bò, 09 tháng đối với cừu, 04 tháng đối với dê).

    + Đối với lợn: Tiêu hủy bắt buộc toàn bộ số lợn mắc bệnh trong ổ dịch với triệu chứng lâm sàng điển hình để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch, cách ly lợn khỏe mạnh trong cùng đàn với lợn mắc bệnh để theo dõi.

    + Đối với vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh LMLM, thực hiện tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc gia súc mắc bệnh LMLM và xử lý ổ dịch theo quy định.

    - Việc xử lý gia súc mắc bệnh phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh LMLM hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận gia súc bị mắc bệnh LMLM.

    - Việc xử lý gia súc mắc bệnh theo hướng dẫn tại Phụ lục 06 Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT.

    Như vậy, gia súc mắc bệnh lở mồm long móng phải được tiêu huỷ toàn bộ, riêng đối với vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh LMLM, thực hiện tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc gia súc mắc bệnh LMLM và xử lý ổ dịch theo quy định.

    Không tiêu huỷ gia súc mắc bệnh lở mồm long móng mà mang đi bán sẽ bị phạt thế nào?

    Xử phạt hành chính

    Theo khoản 5 Điều 8 Nghị định 90/2017/NĐ-CP được bổ sung bởi Nghị định 04/2020/NĐ-CP quy định:

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    + Vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm;

    + Mang đi tiêu thụ thân thịt, phụ phẩm, sản phẩm khác của động vật bị giết mổ bắt buộc chưa được xử lý bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;

    + Chăn nuôi hoặc xuất bán động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi cơ quan thú y có thẩm quyền đã yêu cầu phải giết mổ bắt buộc hoặc tiêu hủy;

    + Không tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm mà gây thiệt hại về tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng.

    - Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm mà gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật 

    Như vậy, người dân có gia súc mắc bệnh lở mồm long móng không tiêu huỷ mà mang đi bán thì tuỳ tính chất, mức độ mà có thể bị phạt hành chính từ 5 - 20 triệu đồng.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự

    Ngoài phạt hành chính, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng hơn người dân còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017 như sau:

    - Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    + Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    + Thực hiện hành vi quy định trên hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

    + Có tổ chức;

    + Làm chết người;

    + Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người;

    + Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    + Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

    + Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

    + Tái phạm nguy hiểm.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    + Làm chết 02 người;

    + Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người;

    + Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

    + Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

    + Làm chết 03 người trở lên;

    + Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên;

    + Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

    + Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

    - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Như vậy, tuỳ theo mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm mà người dân có gia súc mắc bệnh lở mồm long móng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cao nhất là 20 năm tù.

     
    123 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận