Mới đây, chiêu trò mạo danh giám đốc, trợ lý giám đốc công ty xổ số lừa “bán số trúng” cho người dân chiếm đoạt cả tỷ đồng đã bị lên án. Theo đó, dựa vào sự nhẹ dạ cả tin, mong có được “số tiền từ trên trời rơi xuống”, người dân bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện thành công hành vi lừa đảo.
Đây là hành vi phạm pháp luật và cần được lên án để người dân có sự đề phòng và tố giác khi gặp các trường hợp tương tự. Vậy pháp luật quy định mức xử phạt như thế nào đối với chiêu trò mạo danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Hiện trạng
Vừa qua, Công an huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết vừa bắt giữ một nhóm 3 nghi phạm để điều tra về hành vi lừa đảo trên mạng chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng của nhiều người.
Cụ thể, các đối tượng này lập các nickname ảo trên các mạng xã hội để giới thiệu là giám đốc, trợ lý giám đốc và nhân viên Công ty xổ số kiến thiết Miền Bắc nên biết được số lô, số đề trúng thưởng trong ngày nhằm mục đích chào mời những người chơi có nhu cầu, qua đó chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, hành vi này là chiêu trò mới của các đối tượng lừa đảo nhắm vào mong muốn của người dân được trúng thưởng một số tiền lớn.
Chúng rất tinh vi khi giả mạo những bảng hiệu chức danh cá nhân và nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan đến công ty xổ số để nhằm mục đích lừa đảo.
Đầu tiên, chúng lập các tài khoản áo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,... mạo danh là người của Công ty xổ số để bán cho người chơi kết quả xổ số trong ngày.
Đợi đến khi người chơi đồng ý mua số, các đối tượng yêu cầu chuyển trước 50% số tiền, số tiền còn lại sẽ gửi sau. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền thì các đối tượng chặn tất cả thông tin có thể liên lạc được với người chơi.
Qua hành vi đó, chúng thu được số lợi lớn lên đến hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Vậy hành vi này có mức phạt như thế nào?
Xử lý hành vi vi phạm mạo danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác bị xử phạt hành chính như thế nào?
Tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 02-03 triệu đồng đối với hành vi:
Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.
Tại điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cũng quy định:
Phạt tiền từ 03-05 triệu đồng đối với hành vi: Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản.
Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về mức phạt cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Mức phạt cao nhất đối với Tội này, người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 20 năm tù hoặc chung thân khi Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.