Dạo gần đây, nhiều người dân phản ánh rằng nhận được những cuộc gọi tự xưng là Cảnh sát giao thông (CSGT) gọi điện để thông báo về hành vi vi phạm và yêu cầu họ cung cấp các thông tin cá nhân để phục vụ cho công tác xử phạt. Sự việc này gây nhiều hoang mang cho người dân, thậm chí, một số trường hợp còn bị mắc lừa và mất tài sản. Vậy pháp luật có quy định về xử phạt nguội hay không? CSGT có gọi điện thông báo “phạt nguội” cho người dân?
Hiện trạng
Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo thủ đoạn mạo danh cảnh sát giao thông (CSGT) gọi điện thoại thông báo vi phạm qua hình ảnh (phạt nguội) nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn xảy ra nhiều vô kể.
Hành vi trên, không chỉ tạo ra "cái bẫy" với những người nhẹ dạ cả tin mà còn là mối phiền phức với những người đã đề phòng từ trước.
Trước tiên, bọn lừa đảo này sử dụng những số máy lạ, không chính chủ gọi điện thoại cho người dân và tự xưng là CSGT hoặc Sở giao thông vận tải thông báo rằng người này đã vi phạm giao thông đường bộ có biên lai xử phạt và sắp hết hạn.
Tiếp đến, chúng yêu cầu bấm phím 9 nếu muốn kiểm tra hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như: Họ tên, số CMND/ căn cước, số tài khoản ngân hàng,… để phục vụ cho công tác xử phạt.
Hậu quả dẫn đến là lợi dụng khi nạn nhân còn đang bị rối, các đối tượng này yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản định sẵn hoặc cung cấp mã OTP để… xác minh, điều tra, xử lý.
Từ đó, người dân bị mất oan số tiền hoặc có những trường hợp người dân cảnh giác và biết đó là chiêu trò lừa đảo nhưng vẫn gọi liên tục, làm phiền gây bức bối mà không làm gì được. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt bình thường của người dân.
Phạt nguội là gì?
Những hậu quả mà chiêu trò đem lại là vậy, tuy nhiên do người dân cả tin và không vững kiến thức pháp luật cũng như thủ đoạn của những kẻ lừa đảo này ngày càng tinh vi khiến người dân “sập bẫy”.
Vậy “phạt nguội” là gì?
Hiện nay, chưa có một văn bản luật nào quy định cụ thể, rõ ràng về khái niệm hay định nghĩa về phạt nguội. Khi được hỏi về phạt nguội, người ta vẫn thường hay dựa vào những trải nghiệm mà mình đã gặp phải, từ đó đưa ra cách hiểu về khái niệm phạt nguội.
Theo đó, phạt nguội có thể hiểu là hình thức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera được lắp trên các tuyến đường, các nút giao thông có ghi nhận được các hành vi vi phạm giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và truyền những thông tin này về trung tâm xử lý.
Hình thức này sẽ không yêu cầu đóng phạt liền tại chỗ. Có thể một vài tháng sau chúng ta mới nhận được thông báo phạt nguội, bởi có thể do tới khi ấy, cơ quan có thẩm quyền mới phát hiện hành vi vi phạm.
Quy trình xử “phạt nguội” giao thông
Căn cứ tại Điều 14 Thông tư 06/2017/TT-BGTVT và Khoản 7 Điều 4, Khoản 1 Điều 4 Thông tư 15/2022/TT-BCA về xử phạt nguội được thực hiện theo các bước như sau:’
1. Phát hiện vi phạm
CSGT ghi hình các xe vi phạm trên đường. Bên cạnh đó, CSGT cũng sẽ phát hiện các xe vi phạm qua hệ thống giám sát tự động (camera và máy đo tốc độ).
2. Xác định thông tin
Xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký xe và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
3. Hình ảnh vi phạm được chuyển cho bộ phận trích xuất
Căn cứ theo khoản 1 Điều 14 Thông tư 06/2017/TT-BGTVT quy định trình tự sử dụng kết quả thu được từ thiết bị ghi hình cụ thể như sau:
Trung tâm xử lý sẽ tiến hành lưu lại các thông tin về phương tiện vi phạm như biển số xe, thời gian vi phạm, tuyến đường vi phạm, lỗi vi phạm,…
Cảnh sát giao thông sẽ căn cứ vào hình ảnh vi phạm được in kèm theo phiếu xác nhận kết quả vi phạm để xác định vi phạm và đưa ra mức xử phạt.
Tất cả quá trình trên thì đều được ghi chép vào sổ theo dõi và theo dõi thường xuyên, ký nhận và lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
4. Cảnh sát giao thông thông báo hành vi vi phạm
Căn cứ theo điểm c khoản 3 Điều 14 Thông tư 06/2017/TT-BGTVT quy định trình tự sử dụng kết quả thu được từ thiết bị ghi hình cụ thể như sau:
Sau khi nhận được hình ảnh vi phạm và phiếu xác nhận kết quả, lực lượng chức năng thông báo cho tổ chức, cá nhân vi phạm về hành vi vi phạm, yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định
5. Phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vụ việc vi phạm
Khi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến cơ quan Công an để giải quyết vụ việc vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hoặc Trưởng Công an cấp xã, Trưởng Công an cấp huyện tiến hành giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP.
Căn cứ theo Thông tư 15/2022/TT-BCA quy nếu nếu quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không đến trụ sở thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm cập nhật thông tin của phương tiện giao thông vi phạm lên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông, gửi thông báo cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm.
Đồng thời, cập nhật trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm trên hệ thống quản lý, xử lý vi phạm hành chính.
6. Cập nhật kết quả xử lý và kết thúc hồ sơ
Sau khi người vi phạm đã giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt phải gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết; đồng thời, cập nhật thông tin đã xử phạt vào phần mềm trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và phần mềm cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát để kết thúc cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm.
CSGT có gọi điện thông báo “phạt nguội” không?
Như đã trình bày, theo tất cả những quy định nêu trên, nếu có trường hợp vi phạm giao thông mà bị phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều sẽ được CSGT gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm, đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý.
Nếu biên bản không thể tới được chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm, chủ xe sẽ được công an xã, phường, thị trấn mời tới trụ sở để tiếp nhận thông báo của Cảnh sát giao thông, hoặc khi đi đăng kiểm phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị tới đơn vị Cảnh sát giao thông phát hiện vi phạm để xử lý.
Tóm lại, mọi trường hợp nếu vi phạm giao thông mà bị phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hay nói cách khác nếu bị “phạt nguội” CSGT sẽ gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm. CSGT không gọi điện để thông báo cho người dân để phạt nguội.
Vì vậy, tất cả các trường hợp số điện thoại gọi đến cho chủ phương tiện, lái xe xưng danh CSGT yêu cầu nộp phạt nguội qua tài khoản đều giả mạo. Người dân cần cảnh giác và sáng suốt trước những pha lừa đảo của kẻ xấu để không bị lợi dụng và mất oan tài sản.