Có thể nói hoạt động gia công là bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất. Đặc biệt như nhu cầu như hiện nay trong lĩnh vực vàng, trang sức, kim loại một số Hộ kinh doanh muốn thực hiện hoạt động này liệu có phải xin giấy phép con hay không?
Gia công vàng trang sức có phải xin giấy phép con hay không?
Căn cứ Điều 5, Điều 7 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định như sau:
- Điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ
1. Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
+ Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
2. Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
- Hoạt động gia công vàng trang sức, mỹ nghệ
Cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Do đó, đối với điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thì phải xin giấy phép của Ngân hàng nhà nước còn hoạt động gia công vàng trang sức thì không cần giấy phép con nhưng phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng theo quy định hiện hành?
Căn cứ Điều 11 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định về Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng như sau:
1. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
- Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.
- Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).
- Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
2. Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.
- Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
- Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
3. Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.
Theo đó, Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện cụ thể nêu trên.
Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong kinh doanh vàng?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước như sau:
1. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.
2. Ngân hàng Nhà nước được bổ sung vàng miếng vào Dự trữ ngoại hối Nhà nước.
3. Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp sau đây:
- Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định này.
- Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Chi phí tổ chức sản xuất vàng miếng được hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
- Thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
4. Ngân hàng Nhà nước cấp, thu hồi:
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
- Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
- Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu.
- Giấy phép mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định.
- Giấy phép đối với các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
5. Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu và hoạt động kinh doanh vàng khác.
6. Ngân hàng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trên đây là Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam.