Chiều tối ngày 9/10, hàng loạt cây xăng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đóng cửa với lý do hết xăng đang chờ nhập hàng hoặc mở cửa nhưng chỉ cho đổ ở mức giới hạn từ 20.000-30.000 đồng. Tình trạng này gây khó khăn cho người dân, nhiều người ghé đổ xăng phải chờ rất lâu mới tới lượt hoặc khi tới nơi nhân viên báo hiệu hết xăng và phải quay xe.
Tình trạng này được các cây xăng giải thích do nguồn cung không đủ để đáp ứng, lý do bão làm gián đoạn nguồn cung ảnh hưởng đến việc vận chuyển xăng. Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiết khấu giảm có thể do sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho giảm tại các thương nhân đầu mối.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt này, Sở Công Thương đã đề nghị các đơn vị có chuỗi cung ứng lớn tăng cường nhập hàng để cung ứng xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ.
Theo đó, do giá xăng dầu thế giới và giá xăng nhập có xu hướng tăng cao nên tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày mai (11/10), giá bán lẻ xăng dầu trong nước có khả năng tăng mạnh sau 4 lần giảm liên tiếp. Nhưng mức tăng ra sao phụ thuộc vào việc cơ quan quản lý trích lập hay chi Quỹ bình ổn xăng dầu.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay, trong kỳ điều hành ngày 11/10, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể tăng khoảng 300 đồng/lít, còn giá dầu diesel sẽ có khả năng tăng tới 2.000 đồng/lít.
“Găm hàng” chờ tăng giá, cây xăng bị phạt như thế nào?
Trước tình trạng trên, một số người dân bức xức “Khi giá xăng tăng tôi muốn đổ bao nhiêu cũng có, trên toàn quốc gần như không xuất hiện bất cứ cây xăng nào nói hết xăng hoặc bán giới hạn 20-30 ngàn đồng. Nhưng khi tin vui là xăng vừa giảm giá là hàng loạt các cây xăng trên toàn quốc thi nhau treo biển hết xăng hoặc bán rất nhỏ giọt nhằm đối phó. Việc này không chỉ diễn ra lần đầu mà đã nhiều lần như thế. Thiết nghĩ trong sự việc này là hoàn toàn có vấn đề.”, “Khốn khổ vì xăng. Các cây xăng không bán vì xăng sẽ lên giá. Đề nghị phải xử lý những cây xăng còn xăng nhưng không bán.”
Theo đó, người dân cho rằng, một số cây xăng không bị ảnh hưởng từ nguồn cung mà vẫn đảm bảo được lượng xăng dầu nhưng “găm hàng” không bán mà tự ý đóng cửa cần có biện pháp xử lý.
Việc các cửa hàng xăng dầu tự ý đóng cửa, thông báo hết xăng để chờ tăng giá xảy ra không phải lần đầu. Việc đóng cửa cây xăng không bán, chờ tăng giá, cửa hàng xăng dầu có thể bị xử phạt như sau:
Về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ theo Khoản 4 Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP thì các cửa hàng kinh doanh xăng dầu có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
- Không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
- Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 21 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ, thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ ngừng bán hàng sau khi được Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản.
Trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng (cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng).
Như vậy, việc các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không được tự ý ngừng bán, đóng cửa khi chưa được Sở Công thương chấn nhận bằng văn bản.
Cây xăng tự ý đóng cửa chờ tăng giá có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015 việc các cơ quan chức năng phát hiện cửa hàng xăng dầu vẫn còn xăng dầu nhưng mục đích “găm hàng” chờ tăng giá mà có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ.
Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1.5 tỷ đồng;
- Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Phạm tội trong trường hợp hàng hoá trị giá 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1.5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 07-15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 9 tỷ đồng, bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 đến 03 năm.