Cách đây một thời gian, Luật Nông trại Mĩ (Farm Bill) gây lo lắng cho người nông dân Việt Nam khi đặt ra hàng loạt tiêu chuẩn đối với mặt hàng cá tra khi xuất khẩu sang thị trường Mĩ. Giờ đây khi Farm Bill sắp có hiệu lực thì liệu TPP có “cứu nổi” cá tra Việt Nam.
Farm Bill – nổi lo người nông dân Việt
Vài tháng trước đây, Farm Bill vấp phải sự tranh cãi dữ dội của cộng đồng quốc tế nói chung và người nông dân Việt Nam nói riêng khi đặt ra những tiêu chuẩn hết sức khắc khe đối với mặt hàng cá tra. Yêu cầu của đạo luật này là môi trường nuôi tại Việt Nam phải có sự tương đồng với môi trường nuôi tại Mĩ thì mặt hàng cá tra mới thỏa mãn điều kiện xuất khẩu.
Tưởng chừng mọi chuyện sẽ lắng xuống, nhưng chỉ ít tháng nữa thôi, tháng 3/2016 Luật Farm Bill sẽ chính thức có hiệu lực khi đó Mỹ sẽ thiết lập chương trình giám sát đối với loài cá Siluriformes và đương nhiên có cả cá tra Việt Nam.
Ban đầu, Trong luật Farm Fill không có tên cá tra (pangasius) trong danh mục quản lý của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên đến 2014, sau khi Hạ viện Mỹ chính thức thông qua Luật Nông trại, loài cá tra được nêu tên trong mục nhỏ của Luật, kéo theo bộ Siluriformes ( cá da trơn ) trên toàn thế giới, bao gồm tại các nước Châu Á như Indonesia, Ấn Độ và cá nheo của Mỹ. Việc quản lý cá tra (pangasius) thay vì thuộc về FDA thì sẽ chuyển sang USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ).
Theo Luật này, FSIS ( ban quản lý thực phẩm nông nghiệp an toàn và dịch vụ kiểm soát của Mỹ) sẽ tổ chức một quy trình giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đối với cá tra, cá basa của tất cả các nước nhập khẩu vào Mỹ và các mặt hàng này phải thỏa mãn tiêu chuẩn tương đương tiêu chuẩn Mỹ áp dụng. Vậy có thể hiểu đơn giản rằng, nếu muốn nhập khẩu cá tra, cá basa Việt Nam vào Mỹ thì phải chứng minh được sự tương đồng trong môi trường nuôi tại Việt Nam và tại Mỹ là một.
Nói thêm về tiêu chuẩn nuôi cá tra, cá basa tại Mỹ: Do điều kiện địa hình, khí hậu, luật pháp mỗi quốc gia khác nhau nên tại Mỹ người nông dân phải nuôi cá tra trong giếng khoang, còn ao nuôi do không được đào sâu nên không dùng để nuôi. Tuy nhiên tại Việt Nam, với lưu lượng nước lớn, dồi dào từ hệ thống sông Mekong đem lại nên người dân nuôi cá trong các ao hồ. Do đó, xét về môi trường nuôi tại Việt Nam và tại Mĩ là hoàn toàn khác nhau và khó lòng thống nhất chung như nhau.
Đối đầu cùng TPP
Có thể thấy ngay rằng, những tiêu chuẩn mà luật Nông trại nước Mĩ đưa ra là mang tính áp đặt, khắt khe cao đối với các mặt hàng xuất khẩu nói chung và mặt hàng cá da trơn nói riêng. Hay nói đúng hơn thì họ sử dụng những tiêu chí phù hợp với chính nước họ để áp dụng cho một quốc gia khác, gây ra sự chênh lệch về tiêu chuẩn, khó khăn trong khâu sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu.
Không bàn thêm về Luật Farm Bill nói gì, nhưng trước mắt ta thấy rằng Hiệp định TPP đã được đạt được thỏa thuận với 30 chương, ngay tại Chương 7 Hiệp định TPP có nói về vấn đề Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch. Theo đó, TPP không quy định cụ thể một tiêu chuẩn nào để đánh giá một mặt hàng, nhưng hiệp định có ghi rõ tất cả các khâu sẽ sử dụng nguyên tắc khoa học tức một mặt hàng được coi là an toàn cho đến khi nó được chứng minh là có độc. Vậy tức mặt hàng cá tra, cá basa Việt Nam vốn là một mặt hàng an toàn và nếu Mĩ muốn đặt ra quy định theo Farm Bill thì phải chứng minh mặt hàng cá da trơn này không an toàn, không thỏa mãn điều kiện.
Thứ hai: Tiêu chuẩn mà Hiệp định TPP muốn đề cập là Tiêu chuẩn quốc tế của Ủy ban Codex CAC cấp, chứ không phải tiêu chuẩn của riêng một quốc gia nào. Theo đó, nếu mặt hàng cá da trơn Việt Nam thỏa mãn các tiêu chí được đặt ra theo quy định về tiêu chuẩn an toàn của CAC thì cũng đồng nghĩa thỏa mãn các tiêu chuẩn của Hiệp định TPP.
Do đó, Mĩ phải áp dụng tiêu chí kiểm tra vệ sinh theo tiêu chí quốc tế chứ không phải tiêu chí của riêng Mĩ đặt ra.
Thứ ba: Điều 7.9 Hiệp định TPP có quy định về biện phá vệ sinh, kiểm dịch: Mỗi Bên bảo đảm rằng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch của mình hoặc tuân thủ với các tiêu chuẩn quốc tế, hướng dẫn hay khuyến nghị có liên quan hoặc, trong trường hợp không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, hướng dẫn hay khuyến nghị, được dựa trên bằng chứng khoa học khách quan và có tài liệu hướng dẫn có liên quan một cách hợp lý đến các biện pháp,...
Do vậy, mặt hàng cá da trơn Việt Nam khi xuất khẩu sẽ được xem là an toàn, nếu Mĩ muốn loại trừ khả năng nhập khẩu vào nước này thì Mĩ phải có sự chứng minh khoa học rằng mặt hàng cá da trơn không thỏa mãn các tiêu chí thuộc tiêu chuẩn quốc tế của CAC chứ không được tự tiện sử dụng tiêu chí trong Farm Bill.
Lối thoát Farm Bill
Tháng 3/2016 Luật Nông trại Mỹ sẽ có hiệu lực, có lẽ đây là điểm khó khăn cho người nông dân Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn cách giải quyết mới đó là khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, khi Mĩ buộc phải tuân theo những quy định chung của TPP. Khi đó giữa Việt Nam và Mĩ có thể đạt được hướng giải quyết chung thông qua sự thỏa thuận, đàm phán giữa hai bên. Tuy nhiên trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thì Việt Nam có quyền kiện Mỹ ra Tòa án tư pháp quốc tế theo Điều 28 Hiệp định TPP.
Tuy nhiên, nếu thật sự kiện tụng xảy ra thì chẳng khác nào Việt Nam đang "tát" vào mặt Mỹ bởi lẽ cách đây một thời gian Mỹ đã từng kiện Nhật lên WTO về SPS ( mặt hàng táo). Qua vụ kiện này, WTO công nhận các nước không được phép sử dụng các biện pháp SPS khác mà không được cộng đồng quốc tế công nhận, trừ khi có bằng chứng khoa học khác.