Ép vợ/người yêu phá thai sẽ bị xử lý thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #610735 19/04/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 494 lần


    Ép vợ/người yêu phá thai sẽ bị xử lý thế nào?

    Nếu có thai ngoài ý muốn thì người nam có quyền ép vợ/người yêu của mình phá thai không? Hành vi ép vợ/người yêu phá thai sẽ bị xử lý thế nào? Người chồng có được ly hôn khi vợ đang có thai không?

    Phá thai có vi phạm pháp luật không?

    Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989, phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khỏe trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế. Do đó, chỉ trong trường hợp có nguyện vọng nạo, phá thai thì người phụ nữ mới được phá thai. 

    Đồng thời, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:

    Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính là hành vi bị cấm.

    Trong hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản Ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT 2020 đã quy định việc nạo phá thai tại Phần 8 của văn bản. Theo đó, văn bản chỉ quy định về nạo, phá thai cho đến khi khi thai đủ 22 tuần tuổi. Đồng nghĩa với việc phá thai dưới 22 tuần theo kỹ thuật đúng quy định thì sẽ được pháp luật công nhận.

    Theo đó, hiện nay pháp luật chỉ cấm việc phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi và chỉ nạo, phá thai dưới 22 tuần tuổi theo đúng kỹ thuật quy định. Ngoài ra hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về cấm nạo phá thai và các hình thức xử lý với hành vi này. 

    Ép vợ/người yêu phá thai sẽ bị xử lý thế nào?

    Theo Khoản 7 Điều 40 Luật Bình đẳng giới 2006 có quy định các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế bao gồm:

    - Cản trở, xúi giục hoặc ép buộc người khác không tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới;

    - Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi.

    Như vậy, hiện nay, pháp luật chỉ quy định mọi hành vi phá thai và xúi giục, ép buộc để lựa chọn giới tính đều sẽ vi phạm pháp luật. Ngoài ra chưa có quy định nào khác về hình thức xử lý người ép vợ/người yêu phá thai vì mục đích khác.

    Xử lý hành chính người ép vợ/người yêu phá thai

    Theo Điều 100 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định hành vi nạo phá thai nếu vì mục đích lựa chọn giới tính sẽ bị xử phạt hành chính như sau:

    - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

    - Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

    - Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    + Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;

    + Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

    - Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

    - Ngoài ra còn các hình thức xử phạt bổ sung như:

    + Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này;

    + Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 6 Điều này;

    + Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với cơ sở có hoạt động dược không vì mục đích thương mại trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.

    Xử lý hình sự người ép vợ/người yêu phá thai

    Hiện nay pháp luật không có quy định về xử lý hình sự về hành vi ép người khác phá thai, tuy nhiên, nếu vì muốn ép vợ/bạn gái phá thai mà người nam:

    - Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của phụ nữ mà biết là có thai mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 

    Ngoài ra, còn các khung hình phạt cao hơn tuỳ tính chất, mức độ của hành vi, được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. 

    - Xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì sẽ bị xử lý theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác.

    Như vậy, khi ép vợ/người yêu phá thai vì lựa chọn giới tính thì người nam sẽ bị xử lý hành chính. Đồng thời, nếu như vì muốn ép phá thai mà có những hành vi như cố ý gây thương tích hoặc làm nhục vợ/người yêu thì sẽ bị xử lý hình sự.

    Người chồng có được ly hôn khi vợ đang có thai không?

    Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

    - Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

    - Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

    - Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

    Như vậy, người chồng không được ly hôn vợ khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Còn nếu trong trường hợp người vợ có yêu cầu ly hôn thì vẫn được pháp luật xem xét và giải quyết.

    Xem thêm: Các biện pháp tránh thai phổ biến hiện nay? Phá thai trong trường hợp nào là hợp pháp?

     
    950 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận