Trong dịp Tết Nguyên đán, các hoạt động vui chơi, ăn uống, bia rượu luôn là một phần không thể thiếu của của mùa lễ hội. Tuy nhiên việc nghỉ lễ, chơi Tết sao cho lành mạnh và tuân thủ pháp luật, hành vi ép người khác uống say bị xử lý như thế nào?
Các hành vi nghiêm cấm khi sử dụng rượu bia
Trong các dịp lễ Tết, việc mời bia được xem như là một văn hóa, lễ nghi khi giao tiếp trong bàn tiệc. Tuy nhiên nhiều trường hợp mời nhậu theo kiểu ép buộc người khác phải uống rượu bia, đến mức không làm chủ được hành vi, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và nguy hiểm hơn là nhiều người đã có các hành vi coi thường mạng sống của người khác.
Theo đó, đối với hành vi kể trên được xem là một trong những hành vi bị cấm bởi pháp luật.
Căn cứ tại điều 5 Luật phòng chống, tác hại của rượu bia 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
- Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
- Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
- Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
- Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi; trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan; hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân; học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
- Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
- Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
Ép người khác uống rượu bia có thể bị xử phạt như thế nào?
Việc ép người khác uống rượu bia, là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Đồng thời, đôi khi việc ép người khác uống rượu bia đôi khi còn có thể gây ra nhiều những hậu quả xấu cho chính người sử dụng cũng như những người xung quanh.
Căn cứ tại khoản 2 điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP đã có quy định về việc xử phạt hành vi này như sau:
Phạt tiền từ 01-03 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;
- Ép buộc người khác uống rượu bia.
Theo đó, mức xử phạt cao nhất đối với hành vi này, có thể lên tới 3 triệu đồng.
Ngoài ra, mức phạt này cũng áp dụng với hành vi uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Trường hợp, người uống rượu bia khi tham gia giao thông thì mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông có thể lên tới 40 triệu đồng và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị tước bằng lái xe.