Có câu "Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên" vậy thì cha mẹ bắt ép con cái kết hôn với người mình không yêu thương vì môn đăng hộ đối hay vì bất kỳ lý do nào đó có vi phạm pháp luật không? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên có ý nghĩa gì?
Câu nói "Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên" muốn nhấn mạnh rằng, trong đời sống thường nhật chúng ta có thể ép được dầu, ép được mỡ nhưng không nên ép buộc chuyện tình duyên. Tình cảm đôi lứa là điều xuất phát từ con tim không nên gượng ép.
Từ xưa đến nay, việc cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy không còn là việc quá xa lạ.
Nhiều bậc phụ huynh thường nghĩ rằng, gả con cho một người nhiều tiền hay kết thông gia với một gia đình giàu có sẽ giúp con mình được hạnh phúc.
Tuy nhiên, điều ấy hoàn toàn sai lầm. Kết quả thường thấy ở những cặp đôi đến với nhau một cách gượng ép là chia tay, là đổ vỡ, là dở dang cả một đời. Có thể thấy, ông cha ta sớm nhận ra vấn đề này nên đã bày tỏ thái độ, nhắn nhủ con cháu bằng câu tục ngữ “Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên”.
Ngoài ý nghĩa khuyên cha mẹ chỉ nên định hướng, hướng dẫn con cái trong chuyện tình cảm, không nên can thiệp quá sâu hay có hành động ép buộc thì “Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên” còn thể hiện sự tôn trọng quyền tự do. Tự do trong tình yêu và tự do trong hôn nhân.
Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên, cha mẹ bắt con cái kết hôn trái ý muốn thì có vi phạm pháp luật không?
Theo khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định cấm thực hiện những hành vi sau đây:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
- Yêu sách của cải trong kết hôn;
- Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
- Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
- Bạo lực gia đình;
- Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Theo đó, "cưỡng ép kết hôn" là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, do đó việc cha mẹ bắt ép con cái kết hôn trái ý muốn là hành vi phạm pháp luật.
Tùy vào mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cưỡng ép kết hôn.
Theo đó, nếu cha mẹ hoặc bất cứ người nào bắt ép con mình kết hôn thì có thể bị phạt từ từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra hành vi này nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện như sau:
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Qua nội dung bài viết thì chúng ta có thể hiểu ý nghĩa câu "Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên" và qua đó cha mẹ bắt ép con cái kết hôn với người mình không yêu thương vì môn đăng hộ đối hay vì bất kỳ lý do nào đi nữa cũng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạm vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như trên.