Hiện nay, hiện tượng quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên các trang mạnh xã hội trở nên dày đặc, để thu hút nhiều người tin mua, các quảng cáo này đã sử dụng hình ảnh của các thầy thuốc hoặc những người có ảnh hưởng cho quảng cáo của mình. Vậy với hành vi quảng cáo như trên có đúng luật hay không?
Quy định về quảng cáo thuốc
Theo Điều 7 Luật quảng cáo 2012, các đối tượng bị cấm quảng cáo , các sản phẩm thuốc bao gồm “thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc” bị cấm quảng cáo.
Loại trừ các sản phẩm thuốc bị cấm quảng cáo trên, thì khi quảng cáo thuốc phải tuân thủ theo quy định cụ thể về nội dung và hình thức quảng cáo thuốc tại Điều 3 Nghị định 181/2013/NĐ-CP
“…
6. Thông tin, hình ảnh cấm sử dụng trong quảng cáo thuốc bao gồm:
a) Hình ảnh người bệnh;
b) Sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá;
c) Hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc.”
Như vậy, từ quy định trên, việc sử dụng hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc là hành vi bị cấm khi quảng cáo, bao gồm cả trường hợp đã được sự cho phép của thầy thuốc để quảng cáo.
Quy định về quảng cáo trên mạng xã hội
Trong quy định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo tại Điều 7 trên không đề cập đến đối tượng bị cấm dưới hình thức cụ thể nào, nên có thể hiểu đây là điều khoản cấm quảng cáo các đối tượng trên dưới mọi hình thức, bao gồm cả quảng cáo trực tuyến.
Do đó, khi áp dụng hình thức quảng cáo thuốc trên mạng xã hội cũng phải tuân thủ theo các quy định như các hình thức quảng cáo khác.
Xử phạt hành vi vi phạm quảng cáo thuốc
Theo khoản 4 Điều 50 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hình thức xử phạt đối với hành vi sử dụng hình ảnh thầy thuốc để quảng cáo thuốc bao gồm
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi “Sử dụng chứng nhận chưa được Bộ Y tế công nhận, sử dụng lợi ích vật chất, lợi dụng danh nghĩa của tổ chức, cá nhân, các loại biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thuốc.”
Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi vi phạm để khắc phục hậu quả.
Với hình thức lợi dụng hình ảnh người khác để quảng cáo, vừa gây ảnh hưởng đến uy tín của người bị lợi dụng, vừa lừa dối người tiêu dùng về sản phẩm. Để đảm bảo quảng cáo thuốc đúng sự thật, đặc biệt là quảng cáo trên môi trường mạng, Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra và áp dụng chế tài mạnh để dẹp bỏ những quảng cáo mang tính chất lừa đảo.