Không phải khu vực nào cũng được cấp phép khai thác khoáng sản, vẫn có những khu vực vì một lý do nào đó ví dụ như để bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, hay vì mục đích an ninh quốc phòng,... mà Nhà nước cấm khai thác khoáng sản tại đây.
Hiện nay những khu vực nào bị cấm khai thác khoáng sản?
Khai thác khoáng sản là một trong những hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản. Hiện nay theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Khoáng sản 2010 quy định những khu vực cấm hoạt động khoáng sản bao gồm:
- Khu vực đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật di sản văn hóa;
- Khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất;
- Khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc nếu tiến hành hoạt động khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
- Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng;
- Đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều; hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, dẫn điện, xăng dầu, khí, thông tin liên lạc.
Như vậy, những khu vực vừa nêu sẽ cấm hoạt động khoáng sản, đồng nghĩa với việc những khu vực này cũng không được phép khai thác khoáng sản.
Được phép khai thác khoáng sản ở khu vực cấm hoạt động khoáng sản trong trường hợp nào?
Như đã đề cập thì hiện nay có những khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên theo khoản 4 Điều 28 Luật Khoáng sản 2010, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có quy định như sau:
“Trường hợp cần thăm dò, khai thác khoáng sản ở khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.”
Như vậy, vẫn có thể được cấp phép khai thác khoáng sản ở khu vực cấm hoạt động khoáng sản.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Khai thác khoáng sản trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản mà không có giấy phép sẽ bị phạt hành chính thế nào?
Theo khoản 5 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
“Đối với hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản thì áp dụng mức phạt tiền cao nhất của khung phạt tương ứng với từng mức phạt quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung áp dụng như khoản 4 Điều này.”
Như vậy, theo quy định thì đối với các trường hợp khai thác khoáng sản không có giấy phép tại khu vực cấm hoạt động khoáng sản thì sẽ áp dụng mức phạt tiền cao nhất của khung phạt tương ứng với từng mức phạt quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 47 Nghị định này. Hình thức xử phạt bổ sung áp dụng như khoản 4 Điều 47 này.
Xem chi tiết các khung phạt tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và hình thức xử phạt bổ sung tại khoản 4 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a khoản 22 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP).