Được mời Luật sư khi bị đề nghị áp dụng biện pháp XLHC

Chủ đề   RSS   
  • #307661 21/01/2014

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Được mời Luật sư khi bị đề nghị áp dụng biện pháp XLHC

    Ngày 20/01/2014, UBTV Quốc hội thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, theo đó có những điểm đáng chú ý sau:

    Người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình.

    Thẩm phán xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng phải là người có đủ hiểu biết cần thiết về tâm lý, khoa học giáo dục …

    Ngoài ra, đối với những phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên, Tòa án có thể yêu cầu những cá nhân sau trình bày ý kiến:

    - Các chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học;

    - Đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị là người chưa thành niên học tập;

    - Đại diện chính quyền địa phương nơi người bị đề nghị cư trú hoặc những người khác.

    ------------------------------------------------

    Toàn văn dự thảo Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

    (Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 24, Quốc hội khóa XIII, ngày 15-01-2014)

    Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

     

    Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13;

    Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

     

    Chương I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

    Pháp lệnh này quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi chung là biện pháp xử lý hành chính); trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại.

    Điều 2. Nguyên tắc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    1. Việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật xử lý vi phạm hành chính; đối với trường hợp người bị xử lý là người chưa thành niên thì việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 134 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

    2. Khi xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

    3. Thẩm phán được phân công xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục và hoạt động phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật. 

    4. Tiếng nói và chữ viết dùng trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân là Tiếng Việt.

    Người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; trong trường hợp này, phải có người phiên dịch.

    5. Người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền nhờ luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

    Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

    6. Bảo đảm quyền được xem xét lại việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

    Điều 3. Thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ quan đề nghị có trụ sở.

    Điều 4. Kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này.

    Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

    1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức không được can thiệp trái pháp luật vào việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của Toà án.

    2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phối hợp với Toà án trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khi có yêu cầu của Toà án.

    3. Quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được các cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi trách nhiệm của mình phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của Toà án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó.

    Điều 6. Khiếu nại, tố cáo trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    1. Người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền khiếu nại đối với quyết định của Tòa án, hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật và Pháp lệnh này.

    2. Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về tố cáo.

    Điều 7. Giám sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và mọi công dân giám sát hoạt động của Toà án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; khi phát hiện hành vi trái pháp luật trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì có quyền yêu cầu, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.

    Việc giải quyết yêu cầu, kiến nghị được thực hiện theo quy định của pháp luật.

    Điều 8. Trách nhiệm quản lý công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Toà án nhân dân tối cao quản lý công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

    a) Chủ trì hoặc phối hợp trong việc đề xuất, xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính;

    b) Chỉ đạo việc thi hành pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    c) Tổ chức việc thống kê, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính;

    d) Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong việc thực hiện pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính;

    đ) Kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính;

    e) Định kỳ sơ kết, tổng kết công tác xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính;

    g) Cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

    2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các Toà án cấp dưới tổ chức việc thi hành pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm sau đây:

    a) Tổ chức việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính;

    b) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính;

    c) Báo cáo Toà án nhân dân cấp trên về tình hình xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của Toà án tại địa phương.

    3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Toà án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này.

     

    Chương II: TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH

     

    Điều 9. Nhận, thụ lý hồ sơ, phân công Thẩm phán xem xét hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    1. Việc giao, nhận hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành trực tiếp giữa cơ quan đề nghị với Toà án và phải được lập thành biên bản. Toà án phải kiểm tra các tài liệu có trong hồ sơ. Trường hợp hồ sơ có đủ các giấy tờ, tài liệu được quy định tại khoản 2 Điều 100, khoản 2 Điều 102 hoặc khoản 2 Điều 104 của Luật xử lý vi phạm hành chính thì Tòa án vào sổ giao nhận.

    Trường hợp hồ sơ đề nghị không có đủ tài liệu thì Tòa án không nhận hồ sơ và lập biên bản về việc không nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do của việc không nhận hồ sơ.

    2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Toà án phải vào sổ thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết.

    3. Thẩm phán được phân công phải từ chối giải quyết nếu có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

    4. Trường hợp Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục giải quyết hoặc thuộc trường hợp phải từ chối giải quyết thì Chánh án Toà án phân công Thẩm phán khác giải quyết việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

    Điều 10. Thông báo về việc thụ lý

    1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ đề nghị, Thẩm phán được phân công giải quyết có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về việc thụ lý hồ sơ đề nghị.

    2. Văn bản thông báo phải có các nội dung chính sau đây:

    a) Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo;

    b) Tên Tòa án đã thụ lý hồ sơ;

    c) Số, ngày, tháng, năm thụ lý hồ sơ;

    d) Tên cơ quan đề nghị;

    đ) Họ và tên, địa chỉ của người bị đề nghị;

    e) Biện pháp xử lý hành chính được đề nghị áp dụng.

    Điều 11. Thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ đề nghị, Thẩm phán được phân công giải quyết phải ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 20 của Pháp lệnh này.

    Điều 12. Quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ   

    1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo cho đến thời điểm Tòa án mở phiên họp, người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Toà án đã thụ lý.

    2. Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ có thể được thực hiện tại Toà án đã thụ lý hồ sơ đề nghị hoặc gửi qua đường bưu chính cho Tòa án đã thụ lý hồ sơ đề nghị.

    Điều 13. Kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Thẩm phán được phân công giải quyết phải kiểm tra hồ sơ đề nghị về các vấn đề sau:

    a) Nội dung các tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ đề nghị phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 100, khoản 2 Điều 102 và khoản 2 Điều 104 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

    b) Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

    c) Thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị; trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

    2. Trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán được phân công giải quyết có thể gửi văn bản hoặc trực tiếp tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học và chính quyền địa phương nơi người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính cư trú để làm rõ thêm tình trạng sức khoẻ, tâm lý, điều kiện sống, học tập của họ.

    3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ, Thẩm phán được phân công giải quyết phải ra một trong các quyết định sau:

    a) Yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ;

    b) Yêu cầu thay đổi biện pháp xử lý hành chính đối với trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 118 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

    c) Đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    d) Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

    Điều 14. Yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ

    1. Khi xét thấy cần bổ sung tài liệu, chứng cứ thì Thẩm phán được phân công giải quyết phải có văn bản yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung tài liệu, chứng cứ, trong đó phải nêu rõ tên tài liệu, chứng cứ cần bổ sung và lý do của việc yêu cầu bổ sung.

    2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án có văn bản yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ, cơ quan đề nghị phải bổ sung tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án; nếu việc bổ sung tài liệu, chứng cứ dẫn đến việc đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì Tòa án ra quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ.

    3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tài liệu, chứng cứ bổ sung hoặc kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà cơ quan đề nghị không bổ sung tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu thì Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

    Điều 15. Đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    1. Thẩm phán được phân công giải quyết hồ sơ đề nghị quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có một trong các căn cứ sau đây:

    a) Hết thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    b) Người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đã chết hoặc không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc thuộc trường hợp không áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại Điều 92, Điều 94 và Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

    c) Đại diện cơ quan đề nghị rút đề nghị;

    d) Trong thời gian thụ lý hồ sơ, người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị áp dụng hình phạt và bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

    2. Thẩm phán được phân công giải quyết hồ sơ đề nghị quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có một trong các căn cứ sau đây:

    a) Hành vi của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có dấu hiệu tội phạm và Tòa án phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự xem xét;

    b) Cần chờ kết quả giám định của cơ quan y tế về tình trạng sức khỏe, tâm thần của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    c) Người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đang bị bệnh hiểm nghèo có xác nhận của bệnh viện.

    3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày căn cứ tạm đình chỉ không còn thì Tòa án phải ra một trong các quyết định sau đây:

    a) Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo đề nghị của cơ quan đề nghị;

    b) Đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này.

    Điều 16. Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Toà án phải mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên họp trong thời hạn 10 ngày.

    2. Quyết định mở phiên họp phải có các nội dung chính sau đây:

    a) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    b) Cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên;

    c) Tên cơ quan đề nghị;

    d) Biện pháp xử lý hành chính đề nghị áp dụng;

    đ) Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp;

    e) Họ và tên Thẩm phán chủ trì phiên họp và Thư ký phiên họp;

    g) Họ và tên người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có);

    h) Họ và tên người phiên dịch (nếu có);

    i) Họ và tên những người khác được triệu tập để tham gia phiên họp (nếu có).

    3. Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, quyết định mở phiên họp phải được gửi cho những người quy định tại điểm a, b, c, g, h, i khoản 2 Điều này để họ tham gia phiên họp và Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp.

    Điều 17. Thành phần tham gia phiên họp

    1. Đại diện cơ quan đề nghị phải tham gia phiên họp; trường hợp đại diện cơ quan đề nghị vắng mặt thì phải hoãn phiên họp.

    2. Người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị được tham gia phiên họp theo quyết định mở phiên họp của Tòa án; trường hợp người bị đề nghị vắng mặt có lý do chính đáng thì Tòa án có thể hoãn phiên họp; trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì Toà án vẫn tiến hành phiên họp xem xét, quyết định biện pháp xử lý hành chính đối với họ.

    3. Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên họp; nếu vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp.

    4. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể yêu cầu các chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị là người chưa thành niên học tập, đại diện chính quyền địa phương nơi người bị đề nghị cư trú hoặc những người khác tham gia phiên họp để trình bày ý kiến về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người bị đề nghị.  

    Điều 18. Thông báo về việc hoãn phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    Trường hợp phải hoãn phiên họp thì Toà án phải thông báo bằng văn bản về việc hoãn phiên họp cho những người tham gia phiên họp quy định tại khoản 3 Điều 16 của Pháp lệnh này, trong đó nêu rõ lý do hoãn và thời gian mở lại phiên họp.

    Điều 19. Trình tự tiến hành phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    1. Trước khi khai mạc phiên họp, Thư ký phiên họp tiến hành các công việc sau đây:

    a) Phổ biến nội quy phiên họp;

    b) Kiểm tra sự có mặt của những người được Toà án triệu tập; nếu có người vắng mặt thì cần phải làm rõ lý do và báo cáo Thẩm phán chủ trì phiên họp để xem xét có tiếp tục tiến hành phiên họp hay phải hoãn phiên họp. Trường hợp phải hoãn phiên họp thì Thẩm phán ra thông báo hoãn phiên họp theo quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh này.

    2. Trường hợp có đủ điều kiện để tiến hành phiên họp thì thủ tục phiên họp được tiến hành như sau:  

    a) Thẩm phán tuyên bố khai mạc phiên họp;

    b) Thẩm phán giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia phiên họp. Trường hợp có yêu cầu thay đổi Thẩm phán thì Thẩm phán tạm dừng phiên họp và báo cáo Chánh án Toà án xem xét, quyết định. Nếu phải thay đổi Thẩm phán mà Chánh án không cử được Thẩm phán khác thay thế thì phải hoãn phiên họp. Việc hoãn phiên họp được thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh này;

    c) Đại diện cơ quan đề nghị trình bày văn bản đề nghị Toà án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    d) Người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên trình bày ý kiến về đề nghị của cơ quan đề nghị;

    đ) Những người tham gia phiên họp trình bày ý kiến theo sự điều khiển của Thẩm phán về các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nhân thân của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; các hình thức, biện pháp đã giáo dục; đề nghị hoặc không đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    e) Đại diện cơ quan đề nghị, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tranh luận về đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;  

    g) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Thẩm phán, việc chấp hành pháp luật của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, kể từ khi Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị cho đến trước thời điểm Thẩm phán kết luận phiên họp;

    h) Thẩm phán kết luận phiên họp và quyết định về một trong các vấn đề quy định tại khoản 1 Điều 20 của Pháp lệnh này.

    Điều 20. Quyết định của Toà án về việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    1. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Thẩm phán phải ban hành quyết định về một trong các vấn đề sau đây:

    a) Áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo đề nghị của cơ quan lập hồ sơ đề nghị;

    b) Không áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    c) Yêu cầu thay đổi biện pháp xử lý hành chính;

    d) Chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo quy định tại Điều 116 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

    đ) Đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh này.

    2. Khi xem xét quyết định việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Thẩm phán phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, tình trạng sức khỏe, nhân thân của người vi phạm, các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

    3. Đối với trường hợp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng thì ngoài các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này, Thẩm phán phải cân nhắc, đánh giá về độ tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức, hoàn cảnh sống và học tập của người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không còn biện pháp xử lý thích hợp khác và trong thời hạn ngắn nhất, đủ để giáo dục, giúp đỡ họ nhận thức được sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

    Điều 21. Biên bản phiên họp

    Biên bản phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp; thành phần tham gia phiên họp; nội dung, diễn biến phiên họp; kết luận của Thẩm phán tại phiên họp.

    Sau khi kết thúc phiên họp, Thẩm phán phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký phiên họp ký vào biên bản. Kiểm sát viên, người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị, đại diện cơ quan đề nghị được xem biên bản phiên họp, có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên họp và ký xác nhận.

    Điều 22. Nội dung quyết định áp dụng, không áp dụng biện pháp xử lý hành chính và các quyết định khác

    1. Quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải có các nội dung chính sau đây:

    a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

    b) Tên Toà án ra quyết định;

    c) Họ và tên Thẩm phán chủ trì phiên họp;

    d) Họ và tên đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên họp;

    đ) Họ và tên đại diện cơ quan đề nghị;

    e) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    g) Biện pháp xử lý hành chính cụ thể được đề nghị áp dụng;

    h) Nhận định của Tòa án và các căn cứ quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    i) Quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, trong đó nêu rõ biện pháp, thời hạn, thời điểm, nơi thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thời gian bị tạm giữ được trừ vào thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính (nếu có) hoặc quyết định về việc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    k) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thi hành quyết định;

    l) Quyền khiếu nại đối với quyết định;

    m) Hiệu lực của quyết định;

    n) Nơi nhận quyết định.

    2. Nội dung quyết định yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ, yêu cầu thay đổi biện pháp xử lý hành chính; quyết định chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể.

    Điều 23. Hiệu lực và việc gửi quyết định áp dụng, không áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    1. Quyết định áp dụng, không áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh này mà không có khiếu nại, kiến nghị.

    2. Việc gửi quyết định áp dụng, không áp dụng biện pháp xử lý hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 107 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

    Điều 24. Quản lý hồ sơ về việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    Các tài liệu, văn bản do Toà án ban hành trong quá trình xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải được lập thành hồ sơ, đánh số bút lục và được lưu trữ cùng với hồ sơ đề nghị theo quy định của pháp luật.

     Chương III: TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC HOÃN, MIỄN CHẤP HÀNH,  GIẢM THỜI HẠN, TẠM ĐÌNH CHỈ HOẶC MIỄN CHẤP HÀNH PHẦN THỜI GIAN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH CÒN LẠI

     Điều 25. Hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    1. Người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 Điều 111 của Luật xử lý vi phạm hành chính được Toà án cho hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi họ, người đại diện hợp pháp của họ, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị áp dụng là người chưa thành niên có đơn đề nghị.

    2. Đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải được gửi cho Toà án đã ra quyết định kèm theo các giấy tờ, tài liệu chứng minh họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 Điều 111 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

    3. Khi nhận được đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người được phân công nhận đơn phải vào sổ giao nhận và báo cáo Chánh án Toà án để phân công ngay một Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn.

    4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét và ấn định ngày mở phiên họp giải quyết đơn, đồng thời thông báo cho cơ quan đã gửi hồ sơ đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp để cử đại diện tham gia phiên họp. Thời hạn mở phiên họp không được vượt quá 03 ngày làm việc kể từ ngày Thẩm phán ấn định mở phiên họp.

    5. Sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan đã gửi hồ sơ đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp, Thẩm phán được phân công xem xét, giải quyết đơn ra một trong các quyết định sau đây:

    a) Chấp nhận đề nghị được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    b) Không chấp nhận đề nghị được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

    6. Quyết định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có các nội dung chính sau đây:

    a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

    b) Tên Toà án ra quyết định;

    c) Họ và tên Thẩm phán chủ trì phiên họp;

    d) Họ và tên đại diện Viện kiểm sát;

    đ) Họ và tên đại diện cơ quan đề nghị;

    e) Căn cứ, lý do ra quyết định;

    g) Nhận định của Tòa án và các căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    h) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    i) Nội dung việc cho hoãn hoặc cho miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    k) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thi hành quyết định;

    l) Hiệu lực của quyết định.

    7. Quyết định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh này và phải được gửi cho cơ quan thi hành quyết định, người phải chấp hành quyết định hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú; trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên thì quyết định được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ.

    Điều 26. Giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại

    1. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 Điều 112 của Luật xử lý vi phạm hành chính được Toà án giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại trên cơ sở đề nghị của Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc.

    2. Đối với trường hợp giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý hành chính thì đối tượng được xét giảm phải chấp hành được một phần hai thời hạn mà Tòa án quyết định và thời hạn xét giảm không quá một phần tư thời hạn mà Tòa án quyết định, trừ trường hợp có lý do đặc biệt.

    3. Đề nghị của Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được làm bằng văn bản gửi cho Tòa án nơi có trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc kèm theo tài liệu chứng minh người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 Điều 112 của Luật xử lý vi phạm hành chính; tùy từng trường hợp các tài liệu gồm:

    a) Bản sao quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    b) Quyết định giảm thời hạn (nếu người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đã được giảm thời hạn trước đó);

    c) Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công (nếu có);

    d) Chứng nhận của bệnh viện về tình trạng bệnh tật (nếu người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo);

    đ) Chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về việc người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đang mang thai (đối với trường hợp phụ nữ mang thai);

    e) Văn bản đề nghị của Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đối với văn bản đề nghị giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý hành chính thì phải nêu rõ mức thời hạn đề nghị giảm.

    4. Khi nhận được văn bản đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại, người được Toà án phân công tiếp nhận văn bản phải vào sổ giao nhận và báo cáo Chánh án Toà án để phân công ngay một Thẩm phán xem xét, giải quyết văn bản đề nghị.

    5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét, giải quyết văn bản đề nghị. Trường hợp cần thiết, Thẩm phán có thể yêu cầu Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc bổ sung tài liệu trước khi ra một trong các quyết định sau đây:

    a) Chấp nhận đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại;

    b) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại.

    6. Quyết định về việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại có các nội dung chính sau đây:

    a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

    b) Tên Toà án ra quyết định;

    c) Căn cứ, lý do ra quyết định;

    d) Nhận định của Tòa án và các căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại;

    đ) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người được đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại;

    e) Nội dung của việc cho giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại;

    g) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thi hành quyết định;

    h) Quyền khiếu nại đối với quyết định;

    i) Hiệu lực của quyết định.

    7. Quyết định về việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh này mà không có khiếu nại, kiến nghị và phải được gửi theo quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

    Điều 27. Quản lý người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành biện pháp xử lý hành chính cư trú có trách nhiệm theo dõi, giám sát và quản lý họ trong thời gian họ được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành biện pháp xử lý hành chính.

    2. Khi các điều kiện hoãn chấp hành biện pháp xử lý hành chính không còn hoặc thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 Điều 113 của Luật xử lý vi phạm hành thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành biện pháp xử lý hành chính cư trú phải làm văn bản thông báo gửi Tòa án đã ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ để Tòa án hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định buộc chấp hành biện pháp xử lý hành chính.

    3. Khi nhận được văn bản thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, người được phân công tiếp nhận văn bản phải vào sổ giao nhận và báo cáo Chánh án Toà án để phân công ngay một Thẩm phán xem xét, giải quyết.

    4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét, ra quyết định hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ và buộc người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải chấp hành hoặc tiếp tục chấp hành biện pháp xử lý hành chính.  

    5. Quyết định buộc phải chấp hành hoặc tiếp tục chấp hành biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực thi hành ngay và phải được gửi theo quy định tại khoản 3 Điều 113 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

     

    Chương IV: KHIẾU NẠI, KIẾN NGHỊ; GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, KIẾN NGHỊ TRONG VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH

     Mục 1: KHIẾU NẠI, KIẾN NGHỊ; GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN TRONG VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH

     

    Điều 28. Người có quyền khiếu nại, kiến nghị đối với các quyết định của Tòa án

    1. Người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền khiếu nại đối với các quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

    2. Cơ quan đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị đối với các quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật.

    Điều 29. Các quyết định bị khiếu nại, kiến nghị

    Các quyết định sau đây của Tòa án có thể bị khiếu nại, kiến nghị theo quy định của Pháp lệnh này:

    1. Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    2. Quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    3. Quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    4. Quyết định về việc hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    5. Quyết định về việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại.

    Điều 30. Thời hạn khiếu nại, kiến nghị đối với các quyết định của Tòa án

    1. Thời hạn khiếu nại là 07 ngày làm việc, kể từ ngày người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên nhận được quyết định của Tòa án mà họ cho rằng có vi phạm pháp luật.

    Trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch hoạ, hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hạn khiếu nại.

    2. Thời hạn kiến nghị là 03 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan đề nghị, Viện kiểm sát nhận được quyết định của Tòa án mà cho rằng có vi phạm pháp luật.

    Điều 31. Thủ tục khiếu nại, kiến nghị đối với các quyết định của Tòa án  

    1. Người khiếu nại phải gửi đơn đến Tòa án đã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, trong đó nêu rõ lý do và những căn cứ mà họ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật.

    2. Cơ quan đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp phải kiến nghị bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do và những căn cứ của kiến nghị gửi đến Tòa án đã xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

    Điều 32. Thủ tục giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với các quyết định của Tòa án

    1. Sau khi nhận đơn khiếu nại hoặc văn bản kiến nghị, Tòa án đã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải gửi ngay đơn hoặc văn bản kiến nghị kèm theo hồ sơ vụ việc cho Tòa án cấp trên trực tiếp để xem xét, giải quyết; đồng thời, thông báo về việc khiếu nại, kiến nghị cho các cá nhân, cơ quan quy định tại Điều 107 của Luật xử lý vi phạm hành chính biết.

    2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại hoặc văn bản kiến nghị kèm theo hồ sơ vụ việc, Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp phải thành lập Hội đồng gồm 3 Thẩm phán để xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, trong đó giao cho một Thẩm phán chủ trì tiến hành các hoạt động xem xét, giải quyết khiếu nại.

    Việc nhận, thụ lý đơn khiếu nại, văn bản kiến nghị kèm theo hồ sơ vụ việc và việc phân công Hội đồng xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị phải được ghi vào sổ theo dõi.

    3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Hội đồng xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị phải tiến hành phiên họp xem xét, giải quyết. Trước khi tiến hành phiên họp Thẩm phán được phân công chủ trì có thể yêu cầu người khiếu nại, cơ quan kiến nghị bổ sung tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc khiếu nại, kiến nghị của họ.

    4. Việc xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị được thực hiện thông qua phiên họp, có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, người khiếu nại và đại diện cơ quan đề nghị.

    Đối với trường hợp cơ quan đề nghị, Viện kiểm sát kiến nghị, Tòa án có thể triệu tập người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính là người chưa thành niên tham gia phiên họp.

    Tòa án có thể mời các chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học tham gia phiên họp để phát biểu ý kiến về những vấn đề chuyên môn có liên quan đến nội dung khiếu nại, kiến nghị.   

    Điều 33. Trình tự tiến hành phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với các quyết định của Tòa án

    Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị được tiến hành theo trình tự sau đây:

    1. Thẩm phán chủ trì tóm tắt nội dung vụ việc, yêu cầu khiếu nại hoặc kiến nghị và những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc;

    2. Đại diện Viện kiểm sát, đại diện cơ quan đề nghị trình bày ý kiến về nội dung khiếu nại, kiến nghị;

    3. Những người khác tham gia phiên họp trình bày ý kiến theo sự điều khiển của Thẩm phán chủ trì phiên họp;

    4. Các thành viên của Hội đồng thảo luận, trình bày quan điểm về việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị;

    5. Hội đồng tiến hành biểu quyết và quyết định theo đa số về một trong các vấn đề quy định tại Điều 34 của Pháp lệnh này;

    6.  Nội dung phiên họp của Hội đồng xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị và kết quả biểu quyết của Hội đồng phải được ghi vào biên bản để lưu hồ sơ vụ việc.

    Điều 34. Thẩm quyền của Hội đồng giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với các quyết định của Tòa án

    Hội đồng xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị các quyết định của Tòa án có thẩm quyền ra một trong các quyết định sau đây:

    1. Giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp dưới;

    2. Thay đổi thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    3. Hủy quyết định không chấp nhận áp dụng biện pháp xử lý hành chính vi phạm pháp luật của Tòa án cấp dưới, đồng thời quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người bị đề nghị;

    4. Hủy quyết định của Tòa án cấp dưới, đình chỉ việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 15 của Pháp lệnh này;

    5. Hủy quyết định hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án cấp dưới và buộc chấp hành biện pháp xử lý hành chính khi không có căn cứ quy định tại Điều 111 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

    6. Hủy quyết định không chấp nhận việc hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án cấp dưới và chấp nhận đề nghị cho hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ quy định tại Điều 111 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

    7. Hủy quyết định giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án cấp dưới khi quyết định giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại không đúng với quy định tại Điều 112 của Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 26 của Pháp lệnh này;

    8. Hủy quyết định không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án cấp dưới và quyết định việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại khi có căn cứ quy định tại Điều 112 của Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 26 của Pháp lệnh này;

    9. Đình chỉ việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi người khiếu nại, cơ quan kiến nghị rút toàn bộ khiếu nại, kiến nghị.

    Điều 35. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị

    1. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị có các nội dung chính sau đây:

    a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị;

    b) Tên Toà án ra quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị;

    c) Thành phần Hội đồng giải quyết khiếu nại, kiến nghị;

    d) Căn cứ pháp lý của việc ra quyết định;

    đ) Người khiếu nại, cơ quan kiến nghị; nội dung khiếu nại, kiến nghị;

    e) Quyết định bị khiếu nại, kiến nghị;

    g) Nội dung và căn cứ của việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị;

    h) Hiệu lực của quyết định.

    2. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị là quyết định cuối cùng, có hiệu lực thi hành ngay và phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, Tòa án đã ra quyết định bị khiếu nại, kiến nghị và các cá nhân, cơ quan quy định tại Điều 107 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

     3. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị và các tài liệu, văn bản do Toà án thu thập, ban hành trong quá trình xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị phải được đánh số bút lục và được lưu trữ cùng với hồ sơ vụ việc theo quy định của pháp luật.

     

    Mục 2: KHIẾU NẠI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI  CỦA NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN TRONG VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH

     

    Điều 36. Người có quyền khiếu nại đối với hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án

    Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

    Điều 37. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại

    1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:

    a) Tự mình khiếu nại hoặc khiếu nại thông qua người đại diện;

    b) Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

    c) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết
    khiếu nại;

    d) Được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại; nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

    đ) Được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

    2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

    a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;

    b) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

    c) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

    Điều 38. Quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại

    1. Người bị khiếu nại có các quyền sau đây:

    a) Đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của hành vi bị khiếu nại;

    b) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại về hành vi bị khiếu nại.

    2. Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

    a) Giải trình về hành vi bị khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;

    b) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật;

    c) Bồi thường thiệt hại, hoàn trả hoặc khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

    Điều 39. Thời hạn khiếu nại đối với hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án

              Thời hạn khiếu nại là 03 ngày làm việc, kể từ ngày người khiếu nại biết được hành vi mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật.

    Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn khiếu nại.

    Điều 40. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án

    1. Khiếu nại hành vi của người có Thẩm quyền của Toà án cấp huyện do Chánh án Toà án cấp huyện giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Toà án cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Quyết định của Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.

    2. Khiếu nại hành vi của người có Thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh do Chánh án Toà án cấp tỉnh giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Toà án cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Quyết định của Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.

    3. Quyết định giải quyết khiếu nại phải được gửi cho người khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp.

     

    Chương V: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 41. Hiệu lực thi hành

    Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày … tháng … năm 2014.

    Điều 42. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

    Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

     

      

    TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
    CHỦ TỊCH

    Nguyễn Sinh Hùng

    Tải File đính kèm bên dưới

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 21/01/2014 09:20:39 SA
     
    4644 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phamthanhhuu vì bài viết hữu ích
    danusa (21/01/2014)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #307705   21/01/2014

    danusa
    danusa
    Top 25
    Female
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/07/2008
    Tổng số bài viết (2776)
    Số điểm: 32598
    Cảm ơn: 943
    Được cảm ơn 1127 lần


    Theo cơ chế này thì thấy khác gì vụ án hình sự nhỉ có thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Có luật sư thì quyền lợi của người bị xử lý hành chính sẽ đảm bảo được bao nhiêu?

     
    Báo quản trị |