Chỉ còn hơn 01 tháng nữa là đến ngày pháp luật Việt Nam.
Sau một năm diễn ra nhiều sự kiện pháp lý khiến dư luận "sôi sùng sục", những tranh luận gay gắt, những quan điểm trái chiều diễn ra trong thời gian dài; bản thân tôi lại có cái nhìn khác, một nghi vấn khác, có phải pháp luật đang "bị người giàu lợi dụng"?
Còn nhớ, vụ án con ruồi bạc tỷ mới được xét xử phúc thẩm gầy đây còn chưa ráo mực, mà ở đó vẫn còn rất nhiều hoài nghi rằng THP đã gày bẫy khách hàng, đẩy khách hàng vào vòng lao lý chỉ vì một chai nước Numberone bên trong có "1 con ruồi"; không ít người tin rằng, vụ án thực ra chỉ là một sự dàn xếp của một kẻ có tiền với ý định "cho nó biết tay" và một kẻ không có tiền nhưng ham tiền.
Mới đây, lại xảy ra vụ đại gia (nhiều tiền) tố hoa hậu Phương Nga lừa đảo 16,5 tỷ đồng. Qua một số bài báo, ở nhiều chiều hướng khác nhau thì thật khó để những người ngoài cuộc có thể đàm tán nội dung vụ án. Nhưng những mối quan hệ phức tạp trong giới giải trí, những vấn đề liên quan đế "hợp đồng tình cảm" khiến cho người ngoài cuộc có những hoài nghi về (thêm) một vụ án có sự dàn xếp ngay từ đầu, một sự trả thù, mà công cụ của kẻ có tiền lại chính là "luật pháp".
Pháp luật vẫn công bằng với tất cả.
Nhưng có phải pháp luật đang bị những kẻ có tiền lợi dụng, kẻ yếu thế đang bị sắp đặt, dàn cảnh đi đến chốn lao lý dưới nhiều hình thức?
Nếu như thế, pháp luật còn đâu sự công bằng, công lý, lẽ phải?
Lỗi một phần thuộc về những người nghèo nhưng ham mộng "nhanh có tiền", và một bên là những kẻ có tiền và đang ấp ủ những mưu đồ khó đoán trước. Nhưng chỉ chừng ấy thì pháp luật khó có thể bị lợi dụng làm công cụ trả đũa, báo thù. Đâu đó còn những người thực thi pháp luật, những người được Nhà nước, nhân dân tín nhiệm "trả tiền" cho công việc thực thi công lý, lẽ phải.
Xin đừng để "người bị tạm giam" lại phải chứng minh "mình vô tội", phải chứng minh "lời nói của mình là có căn cứ",... kiểu như hoa hậu Phương Nga phải chứng minh được nội dung email đó là của "người tình ấy" gửi cho mình, hoặc anh Võ Văn Minh phải chứng minh "biên nhận tiền" thực chất chỉ là kết quả của một sự giao dịch, thỏa thuận theo Luật bảo vệ người tiêu dùng,....
Nhìn lại nhiều vụ lùm xùm liên quan đến việc "kinh doanh đa cấp" trên khắp cả nước trong năm qua, hay những vụ ở các tỉnh miền Nam "cho vay" nhưng lại "ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất", dẫn đến mất đất, mất nhà oan ức, thì tính chất cũng như tác động xã hội lớn hơn nhiều. Nhưng rồi, nó cũng chìm xuống theo thời gian, bởi đơn giản là người chịu thiệt thòi là người dân lương thiện, ít hiểu biết pháp luật và pháp luật của chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào những chứng cứ kiểu "bút sa gà chết".
Có phải pháp luật đang quá nhẫn tâm với người nghèo, người ít hiểu biết về pháp luật?
Câu trả lời chắc chắn là không.
Nhưng ở phương diện nào đó, họ đang bị thiệt thòi so với những người có tiền, hoặc có quyền, có thể khiến việc áp dụng pháp luật bị méo mó.
Những người đang thực thi luật pháp, xin đừng để pháp luật bị lợi dụng!