Dạo này cũng có coi The Face, thấy trong chương trình có HLV The Face Hoàng Thuỳ dùng "đừng có như hoa dâm bụt, có đỏ mà không có thơm thì nên cơm cháo gì". Câu này khá đúng, hoa dâm bụt là loại hoa có màu sắc rất sặc sỡ nhưng nó không có hương thơm gì cả, lại rất mỏng manh, mau tàn úa, không thể mang mang chúng cắm vào bình để trang trí được. Hay nói dễ hiểu hơn, hoa này chỉ được cái màu sắc sặc sở nhưng không có công dụng hay giá trị kinh tế nào cả.
Từ câu chuyện hình ảnh của bông hoa dâm bụt, tôi có thể phân chia như sau:
- Người vừa “đỏ” vừa “thơm”
- Người không “đỏ” nhưng lại “thơm”
- Người có “đỏ” mà không “thơm”
- Người vừa không “đỏ” lại không “thơm”.
Ở đây, tôi dùng “để” vẻ đẹp bên ngoài, còn “thơm” là cái giá trị của người đó mang lại.
Nếu là một nhà tuyển dụng bạn sẽ tuyển dụng những người như thế nào? Nếu đóng vai trò là một người tuyển dụng tôi sẽ lựa chọn 2 người: vừa đỏ vừa thơm và không đỏ nhưng lại thơm. Tôi nghĩ trong thị công việc rất cần 2 người này. Chúng ta hoàn toàn có căn cứ để tin tưởng vào điều đó, một người vừa đẹp lại vừa có năng lực, làm việc tốt thì chắc chắn được trong dụng và được nhiều người cần. Hoặc một người không đẹp nhưng lại có năng lực làm việc vô cùng tốt thì cũng rất được trọng dụng. Một người tuy rất đẹp nhưng năng lực làm việc không có, kỹ năng yếu kém và một người vừa không đẹp lại không có năng lực thì vị trí sẽ dành cho họ đây? Tuy tôi chưa có kinh nghiệm gì nhiều trong công việc cũng như những va vấp của tôi trong việc tuyển dụng cũng không có nhiều nhưng theo những gì tôi thấy và tôi cảm nhận thì nhà tuyển dụng chỉ chọn 2 người mà tôi nói ở trên thôi. Yếu tố thơm là yếu tố quan trọng hơn cả, xã hội bây giờ hiện đại lắm, chỉ cần bạn thơm thôi còn đẹp thì thời gian, tiền và công nghệ sẽ giúp bạn có được.
Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều những sai lầm khi tuyển dụng, kể cả tuyển dụng trong một tổ chức ở trường học. Vì thấy anh/chị này đẹp là tuyển ngay. Nhưng khi vào làm việc thì mới thấy rằng anh/chị này đẹp thì có đấy nhưng thái độ làm việc kém, năng lực làm việc không có, không có tinh thần cầu tiến, học hỏi. Đấy là một sai lầm. Ở hoa dâm bụt nó đỏ, không thơm nhưng nó không có độc. Còn có những trường hợp những loại hoa khác, đỏ, không thơm mà lại có “độc” nữa kìa. Nếu tuyển chọn những người như thế là sai lầm cho nhà tuyển dụng rồi. Thực tế ta thấy những cuộc thi hoa hậu là những cuộc thi tuyển chọn những bông hoa đỏ, những người đẹp nhưng tiêu chí của ban tổ chức lúc nào cũng là những người vừa có vẻ đẹp về hình thức bên ngoài, vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp nhân cách, vẻ đẹp trí tuệ và khả năng truyền cảm hứng cho cộng đồng. Đấy là người ta lựa chọn ra những bông hoa vừa đỏ vừa thơm để làm đẹp cho đời trong một rừng hoa có màu đỏ sặc sở. Hoặc đối với việc tuyển dụng của những công việc cần nhan sắc như tiếp viên hàng không thì ngoài vẻ đẹp người ta cũng chọn những người giỏi ngoại ngữ, giỏi kỹ năng .
Những điều tôi nói trên đây là quan điểm cá nhân, có chút hơi phũ phàng nhưng đó là thực tế hiện nay. Chúng ta cần phải tạo ra cho mình những giá trị mà nhà tuyển dụng cần, xã hội cần thì chúng ta mới cảm thấy chúng ta sống đúng nghĩa.
Đối với dân luật của chúng ta cũng thế, chúng ta nên tạo cho mình những giá trị đích thực, những giá trị mà xã hội cần. Chúng ta chỉ cần đỏ vừa nhưng thơm ngất ngây là được. Nhưng hãy tạo cho mình những giá trị đích thực, những giá trị chân chính của bản thân chúng ta, tạo ra mùi thơm đúng nghĩa, mùi thơm tinh khiết chớ không phải những mùi thơm được biến đổi từ những mùi hôi thối.
Không ai hoàn hảo cả, chúng ta phải biết chúng ta “đỏ” và “thơm” ở mức nào để chúng ta phấn đấu.