Các tội liên quan đến Vũ khí, vật liệu nổ - Minh họa
HĐTP TANDTC đang soạn thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, 305, 306, 307 và 308 của Bộ luật Hình sự về các tội liên quan đến vũ khí quân dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Xin trích dẫn một số điểm đáng chú ý của Dự thảo.
Thứ nhất, về một số tình tiết là dấu hiệu định tội:
1. “Chế tạo vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp từ những bộ phận của vũ khí, phương tiện và có giá trị sử dụng theo tính năng tác dụng của chúng.
Cũng được coi là chế tạo trái phép phương tiện kỹ thuật quân sự đối với trường hợp cơ sở sản xuất vũ khí của lực lượng vũ trang và những cơ sở khác có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp mới được sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng (theo danh mục) nhưng lại sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng loại khác (ngoài danh mục).
2. “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là cất giữ chúng mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nơi tàng trữ có thể là nơi ở, nơi làm việc, mang theo trong người, trong hành lý hoặc cất giấu bất kỳ ở một vị trí nào khác mà người phạm tội đã chọn.
Cũng được coi là tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đối với trường hợp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự không kể do nguồn gốc nào mà có (như được tặng, cho, đào bới được, nhặt được, ...) mà không khai và nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
3. “Vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là hành vi chuyển dịch vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, … mà không có mệnh lệnh hoặc giấy phép vận chuyển bằng bất kỳ phương tiện nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng đều không nhằm mục đích mua bán.
4. “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là sử dụng không có giấy phép hoặc không được phép của người hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
5. “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là các hành vi mua bán không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không đòi hỏi phải có đầy đủ cả hai hành vi mua và bán mà chỉ cần có một trong hai hành vi đó người phạm tội cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
6. “Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự bao gồm các hành vi cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, tham ô, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt.
Cũng được coi là chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khi quân nhân, nhân viên, công nhân quốc phòng và những người khác được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian công tác đến khi xuất ngũ, phục viên, nghỉ việc về hưu hoặc chuyển sang công tác khác không còn được phép sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự nhưng đã không giao nộp lại theo quy định của Nhà nước.
7. Các hành vi “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại khoản 1 Điều 305 của Bộ luật Hình sự được áp dụng theo hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.
8. “Vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc tiêu hủy vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” quy định tại khoản 1 Điều 307 của Bộ luật Hình sự là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ, quy trình, bảo đảm an toàn vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, bảo quản vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
9. “Có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này không được ngăn chặn kịp thời” quy định tại khoản 4 Điều 307 của Bộ luật Hình sự là trường hợp hành vi vi phạm điều cấm về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc tiêu hủy vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhưng được phát hiệu, kịp thời nên chưa có hậu quả xảy ra.
Thứ hai, về truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác theo quy định tại khoản 4 Điều 307 của Bộ luật Hình sự
Phương án 1:
Xác định các trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến thiệt hại quy định tại khoản 4 Điều 307 của Bộ luật Hình sự khi có đủ các điều kiện như sau:
a) Hành vi vi phạm điều cấm của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
b) Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong điều kiện về vật chất, môi trường nhất định sẽ phát huy tính năng, tác dụng;
c) Cơ quan, người có thẩm quyền đã tự ngăn chặn, khắc phục được nên thiệt hại không xảy ra.
Phương án 2:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì được coi là vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có khả năng dẫn đến thiệt hại tại một trong các điểm a, b, c khoản 3 Điều 307 của Bộ luật Hình sự:
a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân sau khi được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không quản lý, bảo quản tại kho, nơi cất giữ và làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng, gấy xác nhận đăng ký theo quy định;
b) Kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không được bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự, phòng, chống cháy, nổ; không xây dựng phương án bảo vệ;
c) Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được bảo quản trong kho, nơi cất giữ, không sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng theo từng chủng loại, nhãn hiệu; để chung vật liệu nổ với vũ khí, công cụ hỗ trợ trong cùng kho, nơi cất giữ;
d) Trường hợp mất vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không báo cáo ngay cơ quan đã cấp giấy phép, giấy xác nhận để có biện pháp xử lý theo quy định;
đ) Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không kiểm tra, bảo dưỡng, có biện pháp phòng chống han, gỉ, mối, mọt, ẩm, mốc, mất mát, cháy, nổ và các trường hợp nguy hiểm khác đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thực hiện vệ sinh trong, ngoài kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
e) Giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định;
g) Vũ khí, công cụ hỗ trợ sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhưng không làm mất tính năng, tác dụng;
h) Vận chuyển vật liệu nổ không đúng phương tiện chuyên dụng; chở vật liệu nổ và người không có chức năng, nhiệm vụ trên cùng một phương tiện.
Ngoài ra, Dự thảo còn quy định về Một số tình tiết định khung hình phạt, và Truy cứu trách nhiệm trong một số trường hợp cụ thể. Dự kiến Nghị quyết sẽ có hiệu lực trong năm 2021
Xem chi tiết tại file đính kèm.