Bộ Luật Dân sự 2015 lần đầu tiên ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính của công dân, đây được xem là điểm mới, phù hợp với bối cảnh xã hội. Dự Thảo Luật chuyển đổi giới tính đang được tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện, nếu được thông qua, đây là cơ sở cho người chuyển giới ở Việt Nam được thừa nhận, tạo điều kiện cho cộng đồng người chuyển giới được hưởng quyền và nghĩa vụ của mình. Như vậy, điều kiện cơ sở thực hiện can thiệp y khoa nhằm chuyển đổi giới tính được quy định như thế nào?
Chuyển đổi giới tính là gì?
Điều 37 Bộ Luật Dân sự 2015 thừa nhận quyền chuyển đổi giới của công dân như sau “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”
Theo Khoản 2 Điều 3 Dự thảo, có thể hiểu chuyển đổi với tính là Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, việc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp y khoa nhằm tạo ra sự tương thích giữa hình thể và bản dạng giới của người có mong muốn chuyển đổi giới tính.
Các phương pháp thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính
Điều 9 Dự thảo quy định 04 phương pháp can thiệp y học để chuyển đổi giới tính và Người đề nghị chuyển đổi giới tính được lựa chọn một trong các phương pháp can thiệp y học sau đây để chuyển đổi giới tính sau:
- Sử dụng nội tiết tố sinh dục;
- Phẫu thuật ngực và cơ quan sinh dục;
- Phẫu thuật cắt bỏ triệt để các bộ phận có chức năng sinh sản gắn với giới tính cũ;
- Phối hợp phẫu thuật và sử dụng nội tiết tố sinh dục;
- Các phương pháp khác để chuyển đổi giới tính được các nước trên thế giới công nhận và phù hợp với Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều kiện riêng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y học để chuyển đổi giới tính theo phương pháp can thiệp
Khoản 1 Điều 12 Dự thảo quy định điều kiện riêng cho cơ sở thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính theo từng phương pháp can thiệp như sau:
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép điều trị nội tiết tố sinh dục can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa nội, nội tiết, sản phụ khoa hoặc nam học; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nhi đã được cấp Giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;
+ Có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến điều trị nội tiết tố và đã được đào tạo chuyên về điều trị nội tiết tố để chuyển đổi giới tính.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép phẫu thuật ngực để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có khoa phẫu thuật tạo hình hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã được cấp Giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;
+ Có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về phẫu thuật tạo hình hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và đã được đào tạo chuyên về phẫu thuật ngực để chuyển đổi giới tính;
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép phẫu thuật bộ phận sinh dục để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có khoa phẫu thuật tạo hình, tiết niệu hoặc nội tiết, sản phụ khoa hoặc nam học đã được cấp Giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;
+ Có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về tiết niệu, sản phụ khoa, phẫu thuật tạo hình hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và đã được đào tạo chuyên về phẫu thuật bộ phận sinh dục để chuyển đổi giới tính.
Điều kiện chung đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y học để chuyển đổi giới tính
Khoản 2 Điều 12 Dự thảo quy định điều kiện chung cho các cơ sở thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính như sau:
- Có bác sĩ chuyên khoa tâm thần và chuyên gia tư vấn tâm lý lâm sàng ngay trong cơ sở khám chữa bệnh đó hoặc mời từ các cơ sở khác đến để thành lập Hội đồng xác định giới tính như Khoản 1 Điều 14 Dự thảo. Một chuyên gia có thể tham gia ở nhiều Hội đồng xác định giới tính của cơ sở khám chữa bệnh đó.
- Thành lập được Hội đồng xác định giới tính
+ Thành phần của Hội đồng gồm 04 người:
(1) Bác sĩ chuyên khoa tâm thần;
(2) Chuyên gia tư vấn tâm lý cho người chuyển đổi giới tính;
(3) Bác sĩ chuyên khoa phù hợp với phương pháp can thiệp y học được đề nghị;
(4) Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm Chủ tịch Hội đồng;
+ Nhiệm vụ của Hội đồng xác định giới tính: Xác định tình trạng tâm thần của người nộp đơn xin chuyển đổi giới tính; khẳng định mong muốn mạnh mẽ được chuyển đổi giới tính của họ; lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp với sức khỏe, khả năng tài chính và nguyện vọng của người làm đơn; tổ chức can thiệp y học và tư vấn sức khỏe cho họ trong suốt quá trình can thiệp y học và xác nhận thời gian và mức độ can thiệp y học theo quy định tại Điểm a và b Khoản 1 Điều 24 Dự thảo để làm cơ sở Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp Giấy xác nhận giới tính mới cho họ.
+ Một hội đồng xác định giới tính có thể thực hiện các quy trình như luật định để cấp giấy xác nhận giới tính cho nhiều người có đề nghị can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính trong cùng một đợt.