Từ sau khi Dự thảo “Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc” (Dự thảo Luật Đặc khu) được bắt đầu đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vào ngày 23/05 trước khi dự kiến bỏ phiếu xem xét thông qua vào ngày 12/06 thì bên ngoài các vấn đề tranh luận nổi cộm như: Thời hạn thuê đất lên đến 99 năm, ưu đãi về thuế quan quá “rộng lượng”, mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc khu,… thì còn có không ít ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề “Quyền tài phán”, cụ thể hơn là việc áp dụng pháp luật nước ngoài và Tòa án nước ngoài cho các tranh chấp có yếu tố nước ngoài diễn ra tại đặc khu. Bài viết này chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu: Vậy trong dự thảo Luật Đặc khu đã có quy định khung pháp lý ra sao đối với quyền tài phán của những tranh chấp có yếu tố nước ngoài?
1. ÁP DỤNG PHÁP LUẬT NƯỚC NGOÀI KHI NÀO?
Điều 6 Dự luật nêu rõ:
Điều 6. Áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế đối với các hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài
1. Đối với các hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động được ký kết giữa tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc nơi cư trú tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên tham gia là tổ chức, cá nhân nước ngoài, các bên được thỏa thuận trong hợp đồng việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế.
|
Như vậy, luật pháp nước ngoài hay tập quán quốc tế của một nước không đương nhiên được áp dụng tại đặc khu mà nó chỉ áp dụng cho các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài và phải thỏa mãn cả 04 điều kiện sau đây:
- Điều kiện thứ nhất: Phải thỏa mãn yếu tố về chủ thể là có ít nhất một trong các bên tham gia là tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Quy định này tương đồng với “yếu tố nước ngoài” trong vụ việc dân sự theo điểm a khoản 2 Điều 464 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Trong đó:
+ Cá nhân nước ngoài: được hiểu là những người không mang quốc tịch Việt Nam (cá nhân đó có thể mang quốc tịch nước ngoài hoặc người không mang quốc tịch) theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật Quốc tịch 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014).
+ Tổ chức nước ngoài: Có thể là có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân và được thành lập theo pháp luật nước ngoài.
- Điều kiện thứ hai: các bên phải có thỏa thuận trong hợp đồng về việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế.
Cụ thể hơn, Điều 664 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.”
Theo đó, dự thảo Luật Đặc khu (nếu được thông qua sẽ trở thành luật của Việt Nam) đã cho phép các bên có quyền lựa chọn áp dụng luật nước ngoài hoặc tập quán nước ngoài nếu trong đó có “yếu tố nước ngoài” về mặt chủ thể (có ít nhất một trong các bên tham gia là tổ chức, cá nhân nước ngoài).
- Điều kiện thứ ba: Không thuộc “trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài” theo quy định pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, Điều 670 Bộ luật dân sự 2015 có quy định ràng buộc các trường hợp sẽ KHÔNG áp dụng pháp luật nước ngoài nếu:
+ Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;
+ Hoặc nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trong những trường hợp này, pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng.
- Điều kiện thứ tư: Việc áp dụng pháp luật cũng không được gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật và không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam.
Như vậy, chỉ khi thỏa mãn cả 04 điều kiện trên thì pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế mới được áp dụng cho các hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài tại đặc khu.
Ngoại lệ: Việc áp dụng pháp luật nước ngoài, ngay cả khi thỏa mãn bốn điều kiện trên cũng có những ngoại lệ nhất định, đó là việc pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng đối với các trường hợp sau (khoản 1 Điều 6 Dự Luật Đặc khu):
+ Trường hợp đối tượng của hợp đồng là bất động sản tại Việt Nam
+ Hoặc hợp đồng lao động ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, hợp đồng tiêu dùng ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. KHI NÀO TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI SẼ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP?
Điều 7 Dự Luật Đặc khu quy định:
Điều 7. Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh
1. Tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu được giải quyết theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật có liên quan, điều ước quốc tế và quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:
a) Trọng tài Việt Nam;
b) Trọng tài nước ngoài;
c) Trọng tài quốc tế;
d) Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập;
đ) Tòa án Việt Nam.
3. Ngoài các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này, tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài còn có thể được giải quyết tại Tòa án nước ngoài, trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
4. Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế có liên quan.
|
Tòa án nước ngoài trong vấn đề này được hiểu là các tòa án các cấp của một nhà nước nước ngoài có thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài diễn ra tại đặc khu và việc xét xử này bao gồm việc áp dụng:
+ Pháp luật về hình thức (tố tụng) và;
+ Pháp luật nội dung.
Trong tư pháp quốc tế, theo nguyên tắc lex fori, một khi tòa án nước ngoài thực hiện quyền xét xử của mình thì tòa sẽ áp dụng luật tố tụng (luật hình thức) của nước có tòa án đó. Còn vấn đề về áp dụng luật nội dung nào (tức các quy định pháp luật cụ thể để tòa áp dụng cho vụ việc này) thì sẽ do tòa án quyết định căn cứ vào sự dẫn chiếu đến luật nước có tòa án dựa trên quy phạm xung đột hay nói cách khác chúng ta phải dựa vào các hệ thuộc luật để lựa chọn luật nội dung sẽ được áp dụng, ví dụ các quy tắc như: hệ thuộc luật nơi thực hiện hợp đồng (lex locus forman regis actum), hệ thuộc luật lựa chọn (Lex voluntatis), hệ thuộc luật nơi ký kết hợp đồng (lex loci contractus), hệ thuộc luật quốc tịch của pháp nhân (Lex societatis), hệ thuộc luật nơi thực hiện nghĩa vụ (lex loci solutionis)…
Như vậy, có thể hiểu tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài còn có thể được giải quyết tại Tòa án nước ngoài nếu các bên có thỏa thuận như thế nhưng khi giải quyết thông qua Tòa án nước ngoài chúng ta chỉ chắc chắn được rằng pháp luật tố tụng (luật hình thức) của nước có Tòa án đó sẽ được áo dụng, còn việc có hay không áp dụng luật nội dung của nước nơi có Tòa án nước ngoài đó hay không, hay áp dụng pháp luật nội dung của một nước nào khác để giải quyết thì cần căn cứ theo các nguyên tắc áp dụng pháp luật của ngành luật tư pháp quốc tế và cụ thể dựa trên một số hệ thuộc luật để chọn ra luật nội dung nước nào sẽ được áp dụng.
Ngoại lệ: Theo điểm a khoản 1 Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và khoản 3 Điều 7 Dự Luật Đặc khu: Đối với các tranh chấp mà “có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam” thì đây sẽ là vụ án mà Tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền riêng biệt (chỉ có Tòa án Việt nam mới có thẩm quyền giải quyết) kể cả khi trong tranh chấp đó có yếu tố nước ngoài. Tức chỉ cần tranh chấp có liên quan đến tài sản là bất động sản tọa lạc tại Việt Nam thì dù các bên có thỏa thuận giải quyết bằng Tòa án nước ngoài thì thỏa thuận trên cũng sẽ vô hiệu, không có giá trị thực thi mà trường hợp này Tòa án Việt Nam mới có thẩm quyền giải quyết.
Cập nhật bởi lanbkd ngày 06/06/2018 08:17:41 CH
Cập nhật bởi lanbkd ngày 06/06/2018 08:15:28 CH
Cập nhật bởi lanbkd ngày 06/06/2018 08:14:03 CH