Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Chính phủ tiếp thu, giải trình ý kiến UBTVQH về chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó nêu rõ quan điểm về những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Trong Tờ trình gửi Chính phủ có nêu nhiều vấn đề cần phải xem xét kỹ trước khi trình Quốc hội, đặc biệt là về thời hạn sở hữu nhà chung cư khi còn bất đồng về quan điểm.
(1) Đề xuất không quy định thời hạn nhà chung cư
Về quy định sở hữu nhà chung cư, Bộ Xây dựng khi trình Chính phủ đã đề xuất 2 phương án để xin ý kiến.
- Một là quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
- Hai là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
Chính phủ sau đó đã quyết định lựa chọn phương án "quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn" để báo cáo UBTVQH.
Là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, Bộ Xây dựng nhận định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, đồng thuận.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép tiếp thu ý kiến của UBTVQH là không quy định về việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Các nội dung quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư cũng như xử lý sau khi nhà chung cư hết thời hạn và vấn đề phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại chung cư được đưa xuống Chương V (Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư), để giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay.
(2) Đề xuất cá nhân nước ngoài được cấp QSDĐ tại Việt Nam
Về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam, Luật Nhà ở 2014 có quy định cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư) tại các khu vực được phép.
Người mua nhà ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Nhưng theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cá nhân nước ngoài không thuộc đối tượng được sử dụng đất tại Việt Nam. Nghị quyết số 18 của Trung ương cũng không đề cập đến việc sử dụng đất của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép giữ nguyên như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về việc cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư).
Đồng thời, Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của UBTVQH, bỏ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất thuê.
(3) Bỏ quy định thời hạn hợp đồng thuê nhà ở xã hội tối thiểu 5 năm
Về chính sách xây nhà ở xã hội, dự thảo Luật bỏ quy định bắt buộc phải dành quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Vì vậy, cần có quy định cụ thể, rõ ràng để các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, dự thảo luật quy định bổ sung thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong việc sử dụng nguồn tiền đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, dự án nhà lưu trú công nhân để cho thuê trên phạm vi địa bàn.
Tại khoản 3 Điều 54 Luật Nhà ở 2014 quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng.
Trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, làm giảm thu hút đầu tư và không khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội để cho thuê.
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi giao đất không thu tiền bằng hình thức miễn tiền sử dụng đất và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất được miễn.
Nguyên tắc bán, cho thuê nhà ở xã hội được quy định trong dự thảo luật "thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm".
Theo nhận định của cơ quan soạn thảo, quy định như vậy sẽ hạn chế quyền lựa chọn của người thuê nhà ở xã hội và không phù hợp với thực tế một số đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội có nhu cầu sử dụng nhà cho thuê trong thời gian ngắn hơn.
Do vậy, cần bỏ nội dung quy định này để đảm bảo quyền lợi của người thuê nhà ở xã hội và đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Xem thêm Tờ trình tại đây tải