Biên chế công chức tại Bộ, Sở Tư pháp - Minh họa
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư Hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp và định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành Tư pháp theo tinh Nghị định 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ.
Theo hướng dẫn tại Dự thảo, định mức biên chế công chức tại Bộ Tư pháp bao gồm:
1. Đối với các Vụ không có cấp Phòng:
- Vụ trưởng và tương đương: 01 biên chế công chức;
- Phó Vụ trưởng và tương đương: không quá biên chế 03 công chức; trường hợp đặc biệt có thể bố trí nhiều hơn 03 biên chế công chức do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải bảo đảm số lượng cấp phó bình quân của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp không vượt quá 03 biên chế công chức.
- Tổng số công chức của Vụ đạt tối thiểu 15 biên chế công chức.
2. Đối với các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra thuộc Bộ có cấp Phòng:
- Vụ trưởng và tương đương: 01 biên chế công chức.
- Phó Vụ trưởng và tương đương: không quá 03 biên chế công chức; trường hợp đặc biệt có thể bố trí nhiều hơn 03 biên chế công chức do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải bảo đảm số lượng cấp phó bình quân của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp không vượt quá 03 biên chế công chức.
- Lãnh đạo cấp Phòng:
Trưởng phòng và tương đương: 01 biên chế công chức.
Phó Trưởng phòng và tương đương: Phòng có từ 07 đến 09 biên chế công chức được bố trí 01 Phó trưởng phòng; có từ 10-15 biến chế công chức được bố trí không quá 02 Phó trưởng phòng; có từ 16 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 Phó trưởng phòng.
- Công chức:
Tổng số công chức các Vụ đạt tối thiểu 30 biên chế công chức;
Tổng số công chức của Phòng đạt tối thiểu 07 biên chế công chức.
3. Đối với Tổng cục thuộc Bộ
- Tổng cục trưởng: 01 biên chế công chức.
- Phó Tổng cục trưởng và tương đương: không quá 03 biên chế công chức.
- Các Vụ và tương đương thuộc Tổng cục:
Vụ trưởng và tương đương: 01 biên chế công chức;
Phó Vụ trưởng và tương đương: Vụ thuộc tổng cục có từ 15 đến 20 biên chế công chức được bố trí không quá 02 cấp phó; có trên 20 biên chế công chức được bố trí không quá 03 cấp phó; Cục (trừ các cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới 04 tổ chức được bố trí không quá 02 cấp phó; có từ 04 tổ chức trở lên được bố trí không quá 03 cấp phó; Cục tại địa phương có không quá 03 Phó Cục trưởng; trường hợp đặc biệt Cục tại địa phương có thể có hơn 03 cấp Phó do cấp có thẩm quyền quyết định;
Tổng số công chức Vụ thuộc Tổng cục đạt tối thiểu 15 biên chế.
Bên cạnh đó, định mức biên chế công chức tại Sở Tư pháp bao gồm:
1. Giám đốc Sở Tư pháp: 01 biên chế công chức.
2. Phó Giám đốc Sở Tư pháp: không quá 03 biên chế công chức; trường hợp đặc biệt có thể bố trí nhiều hơn 03 biên chế công chức do cấp có thẩm quyền quyết định.
3. Phòng thuộc Sở Tư pháp:
- Trưởng phòng thuộc Sở Tư pháp: 01 biên chế công chức.
- Phó Trưởng phòng thuộc Sở Tư pháp:
Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 09 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 biên chế Phó trưởng phòng;
Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có từ 10 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có từ 09 đến 14 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 08 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 02 biên chế Phó Trưởng phòng;
Phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 biên chế Phó Trưởng phòng.
- Tổng số công chức của Phòng thuộc Sở Tư pháp phải bảo đảm đạt tối thiểu 07 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tối thiểu 06 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 05 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.
Xem chi tiết Dự thảo tại file đính kèm.