Sau 10 năm thực hiện Luật Kế toán 2003 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành đã tạo ra khuôn khổ pháp luật đầy đủ, toàn diện cho hoạt động kế toán và đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, thời gian qua đã có một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được sửa đổi, đồng thời có một số nghiệp vụ mới phát sinh đòi hỏi phải sửa đổi một số quy định của Luật cho phù hợp.
Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán. Dự kiến dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kế toán sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2015 và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2015.
Dự án Luật lần này có 3 nội dung được xác định là những đột phá và được nhà các quản lý, chuyên môn quan tâm:
Một là, sửa đổi, bổ sung Điều 7 Luật kế toán 2003 về nguyên tắc hạch toán theo giá trị hợp lý. Theo đó, việc hạch toán giá trị một số loại tài sản theo giá gốc có thể được thay bằng hạch toán theo giá trị hợp lý để đáp ứng với yêu cầu của thực tế hiện nay khi thị trường tài chính và thị trường vốn phát triển mạnh mẽ, phát sinh nhiều loại công cụ tài chính như cổ phiếu và trái phiếu được niêm yết trên thị trường, trái phiếu chuyển đổi, cũng như theo thông lệ và Chuẩn mực kế toán quốc tế.
Do việc đánh giá giá trị tài sản và hạch toán theo giá trị thực tế có tính kỹ thuật cao; mặt khác trong điều kiện của Việt Nam có tài sản có thể đánh giá được theo giá trị thị trường, có tài sản chưa có điều kiện đánh giá được (do điều kiện kinh tế thị trường của Việt Nam chưa hoàn chỉnh) nên để đảm bảo tính khả thi, Chính phủ đã trình Quốc hội quy định nội dung mang tính nguyên tắc sau:
Các tài sản sau khi hạch toán theo giá gốc có thể được điều chỉnh lại theo giá trị hợp lý (giá trị thực tế); Đồng thời, có bổ sung phần giải thích từ ngữ “Giá trị hợp lý” để thống nhất cách hiểu và áp dụng luật.
Phân ra các nhóm tài sản để đánh giá theo giá trị hợp lý và giao cho Bộ Tài chính quy định cụ thể. Đối với các tài sản khác không nằm trong nhóm tài sản quy định trong Luật sẽ giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn khi hội đủ điều kiện (tức là khi có thể đánh giá lại theo giá thực tế).
Có thế thấy rằng với việc bổ sung quy định như trên sẽ giúp cung cấp thông tin trung thực về thực trạng tài chính của đơn vị tại thời điểm lập báo cáo tài chính, cũng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực kế toán quốc tế và sự phát triển kinh tế thị trường của Việt nam.
Hai là: Bổ sung 1 Điều quy định về báo cáo tài chính nhà nước.
Báo cáo tài chính nhà nước là báo cáo tổng hợp về nguồn vốn và sử dụng vốn của quốc gia (hoặc địa phương), bao gồm các chỉ tiêu như: Thu chi ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, nợ công, khoản vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, các tài sản công và nguồn vốn, tài sản khác của nhà nước. Hầu hết các nước trên thế giới đã thực hiện lập Báo cáo tài chính nhà nước để cung cấp thông tin cho Quốc hội, người có thẩm quyền. Tại dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kế toán lần này Chính phủ trình Quốc hội quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội; chỉ đạo các cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước lập báo cáo tài chính thuộc phạm vi địa phương trình Ủy ban nhân dân để báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Với đề xuất bổ sung quy định về báo cáo tài chính nhà nước nêu trên, đây sẽ là bước đột phá rất lớn trong việc cung cấp thông tin về tình hình tài chính của cả quốc gia, Việt Nam sẽ có báo cáo tài chính nhà nước để các nhà quản lý đánh giá điều hành nền kinh tế và các nước trên thể giới có cái nhìn cụ thể về tình hình tài chính của Việt Nam. Tuy nhiên, để lập được báo cáo tài chính, các cơ quan tài chính cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nhân sự, kỹ thuật đảm bảo lập được báo cáo đúng thời hạn, phản ánh trung thực hợp lý tình hình tài chính quốc gia.
Ba là: sửa đổi Điều 55, đồng thời bổ sung 10 Điều (Từ 55a đến 55h) về hành nghề dịch vụ kế toán. Theo đó đã quy định rõ về điều kiện đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp cũng như không cho phép cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán, cụ thể:
Để được cung cấp dịch vụ kế toán, doanh nghiệp phải có ít nhất 3 kế toán viên hành nghề, trong đó Giám đốc doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là kế toán viên hành nghề. Quy định này nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ cung cấp để giảm rủi ro nghề nghiệp, đồng thời hướng đến mục tiêu kiện toàn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán được hoạt động dưới hình thức công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (tương tự như đối với doanh nghiệp kiểm toán độc lập). Riêng đối với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên có quy định phần vốn góp của những người là kế toán viên hành nghề kế toán làm việc trong doanh nghiệp phải chiếm trên 50% vốn điều lệ, phần vốn góp của thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Những người có chứng chỉ hành nghề kế toán được hành nghề trong các doanh nghiệp dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện về năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan; tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức. Đồng thời, bổ sung các quy định về hồ sơ thủ tục cấp, cấp lại, đình chỉ và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Việc sửa đổi, bổ sung như trên nhằm nâng cao chất lượng hành nghề kế toán, tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp kế toán, kế toán viên hành nghề trong việc cung cấp dịch vụ kế toán cũng như giúp các nhà quản lý, doanh nghiệp có được thông tin minh bạch, trung thực trong công tác quản lý điều hành. Đối với quy định cá nhân không được hành nghề cung cấp dịch vụ kế toán sẽ góp phần loại bỏ và kiểm soát được tình trạng cá nhân không có đủ điều kiện nhưng vẫn hành nghề chui, tạo điều kiện phát triển hành nghề cung cấp dịch vụ của cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện.
PC
(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính)
Các bạn có thể xem Dự thảo trong file đính kèm bên dưới.