Từ ngày 01/7/2016, Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 bắt đầu có hiệu lực. Luật này được ban hành nhằm quy định chặt chẽ về các chế độ bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc.
Như vậy, để kịp thời hướng dẫn thực hiện Luật này, Bộ Lao động Thương binh Xã hội vừa công bố 02 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.
Cụ thể, gồm 1 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 và 1 Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật an toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.
Một trong những vấn đề quan trọng cần lưu ý đó là tai nạn lao động và các chế độ hưởng.
Trước hết, cần phải phân loại tai nạn lao động:
Tai nạn lao động gồm 03 loại:
1. Tai nạn lao động làm chết người lao động. (chết ngay tại nơi xảy ra tai nạn, chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu, chết trong thời gian điều trị hoặc chết do tái phát của chính vết thương do tai nạn lao động gây ra, được tuyên bố chế theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích)
2. Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng. (phải nghỉ việc để điều trị thương tật ngay sau khi bị nạn từ 03 ngày trở lên theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền, bị thương tật nặng)
3. Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ.
Khi xảy ra tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải khai báo theo quy định sau:
- Khi xảy ra tai nạn làm chết người hoặc bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên: khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) ngay sau khi nhận được tin cho Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi xảy ra tai nạn và cơ quan Công an cấp huyện.
Riêng lao động trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân phải báo cho các cơ quan trên và Bộ quản lý ngành lĩnh vực đó theo thẩm quyền trong vòng 12 giờ kể từ khi nhận tin.
- Khi xảy ra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động: báo ngay sau khi biết sự việc lao động chết hoặc bị thương cho UBND cấp xã nơi xảy ra tai nạn lao động để lập biên bản vào sổ thống kê.
Nếu từ 02 người trở lên phải báo nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) cho cơ quan Công an cấp huyện và Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp tỉnh.
Một số lưu ý việc hưởng chế độ tai nạn lao động đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động
Các chế độ được hưởng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gồm:
- Trợ cấp tai nạn lao động trên cơ sở hợp đồng lao động có mức đóng cao nhất.
- Các chế độ hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, chữa bệnh nghề nghiệp và phục hồi chức năng lao động.
- Các chế độ BHXH khác trên cơ sở hợp đồng tham gia BHXH.
Mức hỗ trợ đào tạo nghề chuyển đổi nghề nghiệp
Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa không quá 50% mức học phí và không quá 15 lần mức lương cơ sở.
(Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được hỗ trợ 01 lần)
Mức hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp
Mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp được tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp thực tế của từng bệnh, bằng 50% kinh phí khám cho từng trường hợp sau khi đã trừ phần chi phí hỗ trợ của BHYT.
(Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được hỗ trợ 01 lần)
Mức hỗ trợ điều trị bệnh nghề nghiệp
Mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp tối đa bằng 10 lần mức lương cơ sở/người.
Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo biểu giá điều trị bệnh nghề nghiệp thực tế của từng bệnh, bằng 50% phần kinh phí thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động sau khi đã được BHYT chi trả.
Mức hỗ trợ phục hồi chức năng lao động
Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động tối đa bằng 5 lần mức lương cơ sở/người/lượt.
Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo biểu giá phục hồi chức năng thực tế của từng bệnh, bằng 50% phần kinh phí thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động sau khi đã được BHYT chi trả.
(Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được hỗ trợ 01 lần)
2 Nghị định hướng dẫn Luật an toàn vệ sinh lao động 2014 có hiệu lực từ 01/7/2016. (cùng thời điểm có hiệu lực của Luật an toàn vệ sinh lao động 2015)