Đóng BHXH cho NLĐ - Minh họa
Ai cũng biết một quy tắc bất thành văn ở rất nhiều doanh nghiệp là mức lương đóng BHXH của NLĐ sẽ không phải 100% thu nhập (chẳng hạn thu nhập của NLĐ mỗi tháng là 7 triệu đồng thì chỉ đóng trên mức 5 triệu đồng). Trong những trường hợp này, nếu doang nghiệp đóng BHXH trên 100% lương của NLĐ, doanh nghiệp sẽ được gì, mất gì?
Doanh nghiệp mất gì?
Trước hết, chúng ta cần biết, doanh nghiệp sẽ là người đóng BHXH cho cơ quan quản lý BHXH cho NLĐ, bởi lẽ tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 21 Luật BHXH 2014 có quy định:
“Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.”
Căn cứ vào Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành, hiện nay tổng mức đóng BHXH bắt buộc hàng tháng của mỗi người lao động lên đến 32% hoặc 31,8% nếu được đóng với mức thấp hơn theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 và Điều 5 Nghị định 58/2020/NĐ-CP.
Có thể thấy đây là một khoản tiền không hề nhỏ. Theo quy định tại Điểm 2.6 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu quy định như sau:
- Với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
- Với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Những trường hợp điều kiện lao động nặng nhọc, mức tiền lương này còn cao hơn nữa. Làm một phép toán đơn giản, với NLĐ đã được đào tạo, học nghề, mức thấp nhất để đóng BHXH là cao hơn 7% lương tối thiểu vùng (lương tối thiểu vùng hiện nay áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP), ta sẽ có những con số:
- Vùng I: 4.729.400
- Vùng II: 4.194.400
- Vùng II: 3.670.100
- Vùng IV: 3.284.900
Nhân các số này với mức 32% hoặc 31.8% đã được phân tích ở đầu bài viết, mỗi nhân viên của doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH ít nhất hơn 1 triệu đồng/tháng! Lưu ý đây là số tối thiểu, số tối đa có thể cao hơn rất nhiều, bởi lẽ gần như chẳng có doanh nghiệp nào trả lương cho nhân viên bằng với mức lương tối thiểu vùng cả!
Mặt khác, người được hưởng quyền lợi từ BHXH chính là NLĐ, không phải là doanh nghiệp, chính vì vậy họ cũng không có nghĩa vụ phải kê khai để con số này cao lên!
Doanh nghiệp được gì?
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì:
Trừ các khoản chi không được trừ, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Đồng thời, Khoản 3 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC xác định: Phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động không được xác định là chi phí hợp lý để được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo đó, phần đóng BHXH không vượt mức đã nêu ở đầu bài viết sẽ là phần được trừ khi tính thuế TNDN.
Ngoài ra, có thể nói doanh nghiệp không nhận được nhiều lợi ích từ việc đóng BHXH với mức 100% tiền lương của NLĐ. Như vậy chúng ta đã hiểu lý do tại sao rất ít doanh nghiệp thực hiện việc xác định mức đóng này!
Cập nhật bởi jacktran159 ngày 16/04/2021 11:51:47 SA