Hiện nay, đối với NLĐ nước ngoài ký HĐLĐ, có giấy phép lao động tại Việt Nam thì đóng BHXH, BHYT với mức bao nhiêu? Có đóng thuế TNCN đối với lương mà NLĐ này nhận hay không?
1. Về BHXH:
Hiện nay, NLĐ nước ngoài sẽ phải đóng các chế độ BHXH theo Nghị định 143/2018/NĐ-CP.
Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP thì Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP thì các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.
Theo Khoản 1 Điều 12, Điểm a và c Khoản 1 Điều 13 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, Khoản 1 và 2 Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH đối với các chế độ bảo hiểm nêu trên dành cho người nước ngoài được quy định như sau:
- NLĐ nước ngoài: hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Ngoài ra, không phải đóng các chế độ BHXH khác.
- Người sử dụng lao động đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ các khoản bao gồm:
+ 3% vào Quỹ ốm đau và thai sản;
+ 0,5% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (mức bình thường); Trong trường hợp doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, có văn bản đề nghị và được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận, thì có thể áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương đối với chế độ bảo hiểm này.
+ 14% vào Quỹ hưu trí và tử tuất
2. Về BHYT:
Theo Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) thì đối tượng tham gia BHYT là NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; NLĐ là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là NLĐ).
Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 không phân biệt NLĐ là người Việt Nam hay người nước ngoài. Vì vậy, NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng được xem là đối tượng phải tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định về mức đóng BHYT như sau:
- Người sử dụng lao động: 3% mức tiền lương tháng;
- NLĐ: 1,5% mức tiền lương tháng.
3. Thuế TNCN:
Theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC về người nộp thuế, các khoản thu nhâp chịu thuế từ tiền công tiền lương như sau:
Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2008 và Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP.
Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:
Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.
Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia.
Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công chịu thuế là thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
+ Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
+ Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp (trừ một số trợ cấp theo quy định);...
=> Theo đó, đối với NLĐ nước ngoài là cá nhân cư trú hoặc không là cá nhân cư trú mà có ký HĐLĐ hưởng thu nhập từ tiền lương, tiền công thì đều phải chịu thuế TNCN tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC và các văn bản sửa đổi của văn bản này.
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân; trường hợp người nộp thuế đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 9 Nghị định này thì được lựa chọn khai theo quý.
Và tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã được bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP về trường hợp người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế có bao gồm trường hợp người khai thuế thu nhập cá nhân là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng, quý mà trong tháng quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của đối tượng nhận thu nhập.
=> Theo các quy định trên, mỗi tháng thì Công ty vẫn nộp hồ sơ khai thuế TNCN cho NLĐ đó, chỉ trong trường hợp Công ty đáp ứng tiêu chí tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì được lựa chọn khai thuế TNCN cho NLĐ theo quý.
Chỉ trong trường hợp NLĐ trong tháng hoặc nếu nếu theo quý, mà tháng hoặc quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế TNCN của đối tượng nhận thu nhập thì Công ty không phải nộp hồ sơ khai thuế TNCN cho người đó.
Như vậy, vấn đề về tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, thuế TNCN cho NLĐ nước ngoài ký HĐLĐ, có giấy phép lao động làm việc tại Việt Nam thực hiện theo các quy định nêu trên.