Việc chấm dứt hoạt động của một đơn vị phụ thuộc là một quy trình pháp lý quan trọng, cần tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế
(1) Đơn vị phụ thuộc là gì?
Liên quan đến câu hỏi Đơn vị phụ thuộc là gì, Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định như sau
- Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
- Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
- Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Theo đó, chúng ta có thể hiểu đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp là những tổ chức do doanh nghiệp thành lập, hoạt động dưới sự điều hành, quản lý trực tiếp của doanh nghiệp mẹ nhưng không có tư cách pháp nhân riêng.
Chiếu theo quy định trên, doanh nghiệp có 02 loại đơn vị phụ thuộc là chi nhánh và văn phòng đại diện.
(2) Đơn vị phụ thuộc chấm dứt hoạt động cần làm thủ tục gì với cơ quan thuế?
Việc chấm dứt hoạt động của một đơn vị phụ thuộc là một sự kiện pháp lý quan trọng, liên quan đến nhiều nghĩa vụ và quyền lợi của các bên. Theo quy định của pháp luật về thuế, đơn vị phụ thuộc có trách nhiệm hoàn thành đầy đủ các thủ tục thuế trước khi chính thức chấm dứt hoạt động.
Cụ thể, khoản 1 Điều 72 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về vấn đề này như sau:
Trước khi thông báo chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện phải đăng ký với Cơ quan thuế để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Như vậy, đơn vị phụ thuộc khi chấm dứt hoạt động thì phải thực hiện thủ tục đăng ký chấm dứt hoạt động với cơ quan thuế để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế nhằm chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với đơn vị phụ thuộc.
(3) Hồ sơ, thủ tục thực hiện việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế
Căn cứ theo mục 4 Chương II Thông tư 105/2020/TT-BTC, hồ sơ, thủ tục thực hiện việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với đơn vị phụ thuộc cụ thể như sau:
Thành phần hồ sơ:
- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 24/ĐK-TCT https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/17/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2024_%C4%90K-TCT.doc
- Bản sao quyết định hoặc thông báo chấm dứt hoạt động đơn vị phụ thuộc, bản sao quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với đơn vị phụ thuộc của cơ quan có thẩm quyền.
- Trường hợp đơn vị chủ quản có các đơn vị phụ thuộc đã được cấp mã số thuế 13 chữ số thì đơn vị chủ quản phải có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động gửi cho các đơn vị phụ thuộc để yêu cầu đơn vị phụ thuộc thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế với cơ quan thuế quản lý đơn vị phụ thuộc trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị chủ quản.
- Trường hợp đơn vị phụ thuộc chấm dứt hiệu lực mã số thuế nhưng không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành thì đơn vị chủ quản có văn bản cam kết chịu trách nhiệm kế thừa toàn bộ khoản nghĩa vụ thuế của đơn vị phụ thuộc gửi cơ quan thuế quản lý đơn vị phụ thuộc và tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thuế của đơn vị phụ thuộc với cơ quan thuế quản lý các nghĩa vụ thuế của đơn vị phụ thuộc sau khi mã số thuế của đơn vị phụ thuộc đã chấm dứt hiệu lực.
Trình tự thủ tục:
Bước 1: Nộp hồ sơ
- Đơn vị phụ thuộc nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản chấm dứt hoạt động.
- Cách thức nộp hồ sơ:
+ Nộp trực tiếp
+ Qua dịch vụ bưu chính
+ Trực tuyến thông qua qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
- Tiếp nhận hồ sơ:
+ Nộp trực tiếp: Công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận vào hồ sơ đăng ký thuế, ghi rõ ngày nhận hồ sơ, số lượng tài liệu theo bảng kê danh mục hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ đăng ký thuế nộp trực tiếp tại cơ quan thuế. Công chức thuế viết phiếu hẹn ngày trả kết quả, thời hạn xử lý hồ sơ đã tiếp nhận.
+ Qua dịch vụ bưu chính: Công chức thuế đóng dấu tiếp nhận, ghi ngày nhận hồ sơ vào hồ sơ và ghi số văn thư của cơ quan thuế.
+ Trực tuyến: Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông báo tiếp nhận việc NNT đã nộp hồ sơ cho NNT qua Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế lựa chọn lập và gửi hồ sơ chậm nhất 15 phút kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký thuế điện tử của người nộp thuế.
Bước 3: Kiểm tra hồ sơ và trả kết quả
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đúng thủ tục:
+ Nộp trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính: Cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế theo mẫu số 01/TB-BSTT-NNT trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
+ Trực tuyến: Cơ quan thuế gửi thông báo về việc không chấp nhận hồ sơ, gửi đến Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế lựa chọn gửi hồ sơ trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, đúng thủ tục:
+ Nộp trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính: Cập nhật thông tin người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ thuế vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất vào đầu giờ ngày làm việc tiếp theo ngày người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế tại cơ quan thuế quản lý khoản thu.
+ Trực tuyến: Cơ quan thuế gửi kết quả giải quyết hồ sơ đến Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế lựa chọn lập và gửi hồ sơ theo thời hạn quy định tại Thông tư 105/2020/TT-BTC.
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi “Đơn vị phụ thuộc chấm dứt hoạt động cần làm thủ tục gì với cơ quan thuế?” và hồ sơ, thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.