Đối tượng nâng chuẩn trình độ đào tạo
Hiện nay, theo quy định của Luật giáo dục 2019 thì trình độ chuẩn của nhà giáo được quy định như sau:
- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giao viên mầm non;
- Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
- Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
- Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, nếu giáo viên, giảng viên chưa đủ trình độ chuẩn nêu trên mà còn đủ thời gian công tác tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 theo quy định tại Điều 2 Nghi định 71/2020/NĐ-CP:
Giáo viên mầm non còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Giáo viên tiểu học còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Giáo viên trung học cơ sở còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Như vậy, không phải tất cả giáo viên, giảng viên chưa đủ chuẩn phải thực hiện nâng chuẩn mà chỉ những giáo viên, giảng viên chưa đủ chuẩn đảm bảo còn đủ thời gian công tác như trên thì thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo.