Nhiều cặp đôi không thể đến được với nhau do sính lễ quá cao. Vậy sính lễ là gì? Đòi sính lễ quá cao có vi phạm pháp luật không? Nếu vi phạm thì có bị xử phạt hay không?
(1) Sính lễ là gì?
Sính lễ cưới hay còn được gọi là lễ vật xin dâu là những lễ vật mà nhà trai mang sang nhà gái trong lễ ăn hỏi hoặc lễ cưới để thể hiện lòng thành kính, sự trân trọng của nhà trai đối với nhà gái và mong muốn được kết thông gia. Các lễ vật trong sính lễ có thể khác nhau tùy theo từng vùng miền và phong tục tập quán của mỗi gia đình. Từ lâu, sính lễ đã xuất hiện trong văn hóa của người Việt Nam và vẫn được lưu truyền cho tới hiện tại bởi những ý nghĩa tốt đẹp của nó.
(2) Đòi sính lễ quá cao có vi phạm pháp luật không?
Như đã nêu trên, tuỳ vào vùng miền và yêu cầu của từng gia đình mà lễ vật sẽ có sự khác nhau về mặt hình thức. Tuy nhiên, vài năm gần đây ghi nhận nhiều trường hợp mà tiền nạp tài trong sính lễ lên đến hàng tỷ đồng hoặc thay trầu, cau bằng sổ đỏ. Vì lẽ đó mà nhiều cặp đôi không thể tiến đến hôn nhân hay thậm chí là lâm vào tình trạng phải “cày” để trả nợ sau cưới.
Mà trong Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có định nghĩa như sau:
“Yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ.”
Như vậy, việc đòi hỏi sính lễ quá cao nhằm mục đích cản trở việc kết hôn tự nguyện hoặc không được sự đồng ý của hai người nam, nữ kết hôn về mức sính lễ thì được coi như hành vi yêu sách của cải bị pháp luật nghiêm cấm.
(3) Đòi sính lễ quá cao có bị xử phạt ra sao?
Nếu thuộc hai trường hợp vi phạm như đã nêu tại mục (2) thì người vi phạm sẽ bị xử phạt theo Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng. Không những thế, căn cứ theo Điều 181 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi Bộ Luật hình sự 2017 thì:
“Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”
Như vậy, việc đòi sính lễ quá cao dẫn đến làm cản trở người nam,nữ kết hôn đồng thuận và không có sự đồng ý của hai người về mức sính lễ thì có thể bị phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng. Ngoài ra, nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó mà vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt từ từ 03 tháng đến 03 năm.
Để tổng kết lại, sính lễ là một trong những nghi lễ quan trọng trong tập tục cưới xin của người Việt Nam và nên được gìn giữ; lưu truyền cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, chỉ nên giữ nó ở hình thức lễ nghi chứ không nên đặt nặng nề về vật chất. Hiện các hành vi đòi hỏi sính lễ nhằm mục đích cản trở kết hôn hoặc không được sự đồng ý của người nam,nữ về mức sính lễ đều bị nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt theo quy định nếu vi phạm.