Trước đây, đòi nợ là một trong hình thức kinh doanh dịch vụ, là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, nhiều người đã dựa vào dịch vụ này để đòi những món nợ dai dẳng, khó đòi. Tuy nhiên, liệu đến hiện tại pháp luật có quy định như thế nào về dịch vụ này, có được thuê người đòi nợ hay không? Nếu không thì phải đòi nợ như thế nào?
Kinh doanh đòi nợ thuê là gì?
Đòi nợ thuê là một ngành dịch vụ đòi nợ, là việc những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện một hành vi đòi nợ khách nợ theo yêu cầu của chủ nợ.
Tuy nhiên, ngành dịch vụ này đã bị cấm kể từ ngày 01/01/2021 theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020. Theo đó, dịch vụ này là một trong những dịch vụ bị pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 77 Luật Đầu tư 2020 cũng nêu rõ:
Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký trước ngày 01/01/2021 chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Xử phạt hành vi kinh doanh dịch vụ đòi nợ sau ngày 01/01/2021
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Lưu ý: Đây là mức phạt đối với cá nhân còn tổ chức thì mức xử phạt sẽ gấp đôi (Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Ngoài ra, hành vi vi phạm này còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Đòi nợ như thế nào là đúng luật?
Để không vi phạm pháp luật, người cho vay không được thực hiện một trong các hành vi: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hoặc bắt giữ người vay trái pháp luật để nhằm đòi nợ. Những hành vi này có thể dẫn đến việc bạn bị xử phạt hành chính, hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như: Tội đe doạ giết người (Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015), Tội xâm phạm chỗ ở của người khác ( Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 BLHS 2015).
Trong trường hợp trên, nếu hết thời hạn cho vay mà bên vay vẫn chưa trả nợ, bên cho vay có thể khởi kiện lên tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Theo quy định, người dân có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân để đòi tiền vay từ các con nợ chây ỳ. Thủ tục gửi đơn khởi kiện đến Tòa án được thực hiện như sau:
Bước 1: Viết đơn khởi kiện và chuẩn bị hồ sơ. Đơn khởi kiện đòi nợ phải có đầy đủ các nội dung như: Ngày, tháng, năm làm đơn; tên Tòa án nhận đơn; tên, nơi cư trú, làm việc của người cho vay, người đi vay; nội dung đòi nợ…Khi đó, người cho vay phải chuẩn bị các giấy tờ: Đơn khởi kiện; Bản sao hợp đồng vay, giấy vay… (nếu có); Bản sao chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân…
Bước 2: Nộp hồ sơ. Người dân có thể nộp hồ sơ đến Tòa thông qua một trong ba cách: Nộp trực tiếp, gửi theo đường bưu điện, gửi trực tuyến đến Tòa án cấp huyện người vay tiền sinh sống, làm việc.
Bước 3: Tòa án thụ lý và giải quyết. Sau khi nhận đơn khởi kiện, nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, Tòa án sẽ yêu cầu người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí. Sau đó Tòa án sẽ là việc xem xét và đưa ra xét xử sơ thẩm.
Khi nhận thấy hành vi vay tiền của người đi vay có dấu hiệu của tội phạm như có hành vi gian dối để vay tiền sau đó bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì người cho vay có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS 2015) hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS 2015).